Đăng bởi: ngothebinh | Tháng Một 16, 2012

20120116. NHÌN NHẬN VỀ THI HÀNH LUẬT ĐẤT ĐAI 2003 TỪ SỰ KIỆN TIÊN LÃNG

VỤ CƯỠNG CHẾ TIÊN LÃNG-ĐỈNH ĐIỂM XUNG ĐỘT VỀ ĐẤT ĐAI

Bài của TÂN DÂN trên Tuần VN 11/01/2012 

TRONG MỤC NÀY (Đọc thêm)  

 vụ việc ở Tiên Lãng (Hải Phòng) đã làm xôn xao dư luận mấy ngày qua. Đây là phản ứng tiêu cực nhất của người dân trước việc thu hồi đất tuỳ tiện ở các địa phương.

Xung đột đã lên tới đỉnh điểm khi mà bạo lực đã đối chọi cuồng nộ vào công lực. Đây cũng là một hồi chuông để cho chúng ta thấy một thực tế đầy gai góc trong việc xây dựng và thực thi pháp luật đất đai. Gần 20 năm qua, kể từ luật Đất đai 1993, người nông dân vẫn tin rằng sau khi hết thời hạn giao đất, họ sẽ tiếp tục được quyền sử dụng đất đó và tài sản trên đất là tài sản thuộc quyền sở hữu của riêng mình được pháp luật bảo vệ… Sài Gòn Tiếp Thị giới thiệu những phân tích và nhận định về vụ việc từ khía cạnh chính sách đất đai và thực thi pháp luật. 

Trong khoảnh khắc tiếng súng hoa cải loạn xạ ở vùng đầm hồ Vinh Quang huyện Tiên Lãng, Hải Phòng, những người nông dân nhất quyết bảo vệ tài sản của mình đã trở thành tội phạm. Trước đó những người này đã cho nổ cả mìn tự tạo để ngăn cản lực lượng cưỡng chế đến thu hồi đất đầm nhà họ.

Sáu nhân viên công lực bị trọng thương.

Vì thế, sáu người thân của gia đình họ Đoàn đã sa vào lao lý. 

Luật pháp, trong trường hợp này quá rõ ràng, phải đặt dấu chấm nghiêm minh cho những hành động bạo lực nguy hiểm như vậy trong xã hội.

Nhưng tiếng súng ấy có thể đã không phải vang lên.

Ít nhất là trong hình dung của đại tá Đỗ Hữu Ca, giám đốc Công an thành phố Hải Phòng, “lẽ ra trong vụ cưỡng chế ngày 5.1 ở Tiên Lãng, khi mìn phát nổ, tổ công tác của huyện phải cho rút quân ngay để xin ý kiến chỉ đạo”. Vị đại tá này cho rằng, “trong các vụ giải toả đất đai, lấy lại mặt bằng phải xác định chủ đất hoặc đang thuê đất họ không phải là tội phạm”.

Cái “ý kiến chỉ đạo” sáng suốt đó đã không được huyện “xin”. Có thể vì như ông giám đốc Công an TP Hải Phòng lý giải: “Từ sau hoà bình đến nay, người dân Tiên Lãng khá thuần nên huyện nghĩ rằng không có việc chống đối như thế”.

Cái tập tính thuần lương ấy được ghi nhận có cả ở những anh em họ Đoàn trước khi vụ việc xảy ra. Bao nhiêu năm trời, họ chỉ biết rửa mồ hôi khó nhọc thành gia sản. Họ đinh ninh luật pháp sẽ bảo vệ sự thuần lương của họ. Nên khi ao đầm mà họ khai phá bị chính quyền địa phương thu hồi, họ đã phải cậy đến toà án. Khi bản án sơ thẩm tuyên bất lợi cho họ, họ vẫn kiên trì các biện pháp hợp pháp, kháng cáo lên toà cấp trên, để bảo vệ quyền lợi của mình.

Gần 20 năm qua, kể từ luật Đất đai 1993, người nông dân tin tưởng vào công cuộc đổi mới bởi họ nhất quyết rằng, sau khi hết thời hạn giao đất, họ sẽ tiếp tục được quyền sử dụng đất đó làm tư liệu sản xuất nông nghiệp nếu có nhu cầu và tài sản trên đất là tài sản thuộc quyền sở hữu của riêng mình được pháp luật bảo vệ. Đó là cơ sở chính trị để người dân tiếp tục tin Đảng, theo Đảng.

 Rời chốn công đường ấy, họ tin vào biên bản hoà giải có dấu đỏ của TAND thành phố Hải Phòng với tiêu đề “Biên bản tạo điều kiện để các đương sự thoả thuận với nhau về việc giải quyết vụ án”. Theo đó, đại diện UBND huyện đã thoả thuận: nếu nguyên đơn rút kháng cáo, UBND huyện sẽ tạo điều kiện cho người dân được tiếp tục thuê đất để nuôi trồng thuỷ sản. 

Ngay sau khi họ rút đơn kháng cáo, thẩm phán ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án. Nhờ vậy, UBND huyện liên tục hối thúc chấp hành việc thu hồi đất với lý do bản án sơ thẩm của TAND huyện Tiên Lãng vẫn có hiệu lực. Rồi huyện quyết định cưỡng chế. Đạn hoa cải lên nòng. 

Vụ việc lên đến đỉnh điểm của xung đột, một phần, ở trong quá trình chấp pháp ấy. Điều băn khoăn của ông giám đốc Công an Hải Phòng: “Trong các vụ cưỡng chế, việc chuẩn bị lực lượng cũng như máy móc khá cần thiết. Tuy nhiên từ xưa đến nay các vụ cưỡng chế phải xác định quan điểm giáo dục là chính…” đã không xuất hiện bằng thực tế hiện trường. Cái cơ hội “trước khi cưỡng chế cần giải thích cụ thể để họ tự nguyện bàn giao” thật đáng tiếc chỉ là giả định.

Thực ra thì với những người nông dân bình thường, những ao đầm nuôi trồng thuỷ sản ấy là sinh mệnh của họ. Ở đó, ý chí, mồ hôi và cả nợ nần đã kết tinh vào đất đai thành ý niệm về quyền sở hữu tài sản của họ. Với họ, một nền tảng luật pháp tiến bộ, một đường lối chính trị đúng đắn là phải thừa nhận và bảo hộ cho cái quyền thiêng liêng, bất khả xâm phạm ấy.

Gần 20 năm qua, kể từ luật Đất đai 1993, người nông dân tin tưởng vào công cuộc đổi mới bởi họ nhất quyết rằng, sau khi hết thời hạn giao đất, họ sẽ tiếp tục được quyền sử dụng đất đó làm tư liệu sản xuất nông nghiệp nếu có nhu cầu, tài sản trên đất là tài sản thuộc quyền sở hữu của riêng họ được pháp luật bảo vệ. Đó là cơ sở chính trị để người dân tiếp tục tin Đảng, theo Đảng.

Khu đất của ông Vươn ở vùng bãi bồi, xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng. Ảnh: VnMedia

Vùng bãi bồi xã Vinh Quang ở huyện Tiên Lãng đã được những người nông dân biến thành vùng ao đầm nuôi trồng thuỷ sản cũng trong niềm tin như vậy. 

Nhưng vẫn có một quan niệm khác mà người nông dân tại đây không cho rằng đó là đường lối của Đảng.

Đó là khi chính quyền địa phương hiểu luật Đất đai 1993 rằng, đất đai vốn là tài sản thuộc sở hữu toàn dân giao cho Nhà nước quản lý, Nhà nước có quyền thu hồi khi hết thời hiệu giao đất. Và vì là luật chỉ cho anh canh tác trong thời hạn giao đất, nên khi “lấy lại” đất, chính quyền không cần phải đền bù. Nôm na là, đất đai của nhà nước giao cho anh sử dụng trong 20 năm, tài sản trên đất ấy tính toán thế nào là chuyện của anh, hết hạn thì nhà nước lấy lại đất không cần quan tâm gì đến tài sản hình thành trên ấy. Thậm chí có trường hợp còn rục rịch, nhân dịp hết thời hạn giao đất, đòi chia lại đất đai.

Cách hiểu ấy không phải là không phổ biến, nhất là khi cả các cơ quan hướng dẫn thi hành luật cũng chưa có một tín hiệu xác quyết sẽ xử lý thời hạn giao đất 20 năm (hết hạn vào 2013) như thế nào. Ở diễn đàn Quốc hội, và tại nhiều địa phương, không ít lần mối lo này đã được trình bày gay gắt.

Thêm vào đó, trong quá trình chuyển đổi nền kinh tế sang cơ chế thị trường, cùng với tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, tốc độ đô thị hoá nhanh chóng, đất đai trở thành thị trường có mức chênh lệch giá cả khủng khiếp. Người dân có đất, găm đất để chờ được đền bù theo giá thị trường. Chính quyền địa phương nhắm tới chênh lệch giá đất như một cứu cánh của ngân sách để thực thi ý chí phát triển bằng mọi giá. Nhiều đại gia giàu lên từ đất. Nhiều cán bộ mập lên trên đất. Cái vòng xoáy ấy, nhiều nơi, nhiều lúc đã bứt hệ thống chính trị ở cơ sở chệch khỏi đường lối cơ bản của Đảng là giao cho người nông dân quyền sử dụng đất ổn định lâu dài, tạo nền tảng căn bản cho mục tiêu ổn định chính trị xã hội.

Với những người nông dân bình thường, ý chí, mồ hôi và cả nợ nần đã kết tinh vào đất đai thành ý niệm về quyền sở hữu tài sản của họ. Một nền tảng luật pháp tiến bộ, một đường lối chính trị đúng đắn là phải thừa nhận và bảo hộ cho cái quyền thiêng liêng, bất khả xâm phạm ấy.

 

 

 

Có thể ở vùng bãi bồi xã Vinh Quang này, thông tin quy hoạch sân bay Hải Phòng được phê duyệt đã tạo cơ sở cho chính quyền địa phương quan niệm cần sớm thu hồi lại đất nông nghiệp đã giao: đó là cách chuẩn bị tích cực cho quá trình thựchiện quy hoạch giúp cho địa phương đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá.

Có thể, có những vị quan tư lợi, muốn lợi dụng việc thu hồi đất để “chia” lại cho người thân, cánh hẩu của mình, trong khi chờ quy hoạch. 

Cũng có thể, những người nông dân cũng chờ đợi một cuộc lên giá chóng mặt sau cái quyết định quy hoạch ấy.

Tất cả những điều có thể ấy phải được tìm hiểu thận trọng, chính xác để xem nó đã tạo ra bao nhiêu phần trăm bạo lực trên những phát đạn nã vào những người thực thi công vụ.

Nhưng những viên đạn hoa cải đã nổ ra sớm hơn năm 2013, thời điểm hết hạn giao đất nuôi trồng thuỷ sản theo luật Đất đai 1993 là một báo động không chỉ dừng lại ở những vướng mắc về pháp lý. Xung đột đã lên tới đỉnh điểm khi mà bạo lực đã đối chọi cuồng nộ vào công lực. Xung đột ấy đưa những khác biệt về quan niệm trong quá trình đổi mới chính sách đất đai lên tới nút thắt không thể thoái thác, rằng phải có định nghĩa rõ ràng về quyền sở hữu với đất đai để tránh sự lạm dụng, tuỳ tiện, bất nhất trong thực tiễn đời sống.

Ở đó, quyền của người dân trên mảnh đất của mình phải được minh định và phải được bảo vệ chặt chẽ. 

Ở đó, nguyên tắc nhà nước pháp quyền phải là khung thước cho công vụ, chính quyền trước hết phải bảo đảm các quyền lợi hợp pháp của công dân chứ không chỉ bảo vệ lợi ích của nhà nước.

Theo SGTT  

SỰ KIỆN TIÊN LÃNG VÀ “GIỌT NƯỚC TRÀN LY”

Bài của GS.TsKh. ĐẶNG HÙNG VÕ trên Tuần VN  13/01/2012

TRONG MỤC NÀY (Đọc thêm)

Câu chuyện cưỡng chế bằng sức mạnh để thu hồi đất khai hoang ven biển trước thời hạn giao đất vừa qua ở Tiên Lãng, Hải Phòng là một giọt nước làm tràn ly. Giọt nước này đang xẩy ra ở nhiều nơi, nhưng ở đây thể hiện nhiều điều làm mọi người ở các cương vị khác nhau phải suy nghĩ, bắt đầu từ các Đại biểu Quốc hội sẽ xem xét để thông qua Luật Đất đai mới trước năm 2013, tới các quan chức địa phương đang thực thi và kiểm tra việc thực thi pháp luật đất đai, tới người nông dân bình thường đang lo lắng về đời sống chật vật hàng ngày nhờ vào đất đai. Trong sự việc ở Tiên Lãng, một quyết định sai của UBND huyện về thu hồi đất trước thời hạn do pháp luật quy định là điểm bản lề dẫn tới những sai phạm khác. Không có quyết định này thì không có cưỡng chế và không sự phản kháng của dân trong vô vọng…

Hải Phòng thừa nhận cưỡng chế “quá tay”

Câu hỏi sau vụ chống cưỡng chế ở Hải Phòng

Vụ cưỡng chế Tiên Lãng – đỉnh điểm xung đột về đất đai

Người nông dân thường chịu đựng trước những oan trái của mình. Nhưng những con người thuần khiết nhất, sức chịu đựng giỏi nhất cũng có giới hạn. Chỉ cần một giọt nước, giọt nước cuối cùng cũng làm nước tràn khỏi ly nước, đó chính là giới hạn dẫn đến phản kháng. Việc cưỡng chế thu hồi đất luôn đóng vai trò giọt nước tràn ly. Những người chịu đựng cao thì tính tới việc hủy hoại thân mình để biểu lộ sự oan khuất. Những người quyết liệt hơn thì động viên những người cùng cảnh ngộ để cùng nhau khiếu kiện đến cùng cho đỡ đơn độc. Những người vô vọng thì thể hiện bằng những cách tiêu cực nhất trong vô vọng… Cách nhìn nhận vấn đề lúc này phải thật khách quan, công bằng và thẳng thắn, có lý và có tình. Việc xử lý cụ thể là việc nhỏ những giải quyết những vấn đề cốt lõi về đất đai, về chính quyền nhân dân mới là việc lớn.

Cái sai của quá trình giao đất, thu hồi đất và cưỡng chế thu hồi đất so với các quy định của pháp luật

1. Từ đầu tháng 10/1993 cho tới 2005, UBND huyện Tiên Lãng đã ban hành nhiều Quyết định giao đất hoang hóa ven biển tại xã Vinh Quang cho nhiều hộ gia đình thuộc các xã kề cận để cải tạo nuôi trồng thủy sản. Thời hạn sử dụng đất được giao rất khác nhau và diện tích được giao cũng rất khác nhau, vài năm cũng có, tới 14 hay 15 năm cũng có và tới 20 năm cũng có. Diện tích đất được giao cũng rất khác nhau, từ vài ha tới vài chục ha cho mỗi cá nhân.

Theo quy định của pháp luật lúc đó, cơ chế giao đất bãi bồi ven biển căn cứ vào:

(1) Điều 50 của Luật Đất đai 1993 “Việc quản lý, sử dụng đất mới bồi ven biển do Chính phủ quy định”;

(2) Quyết định số 773-TTg ngày 21/12/1994 của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình khai thác, sử dụng đất hoang hoá, bãi bồi ven sông, ven biển và mặt nước ở các vùng đồng bằng, trong đó Điều 13 quy định hạn mức giao đất là từ 2 đến 10 hécta;

(3) Nghị định số 64-CP ngày 27/9/1993 về việc ban hành Bản quy định về việc giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn định lâu dài vào mục đích sản xuất nông nghiệp, trong đó thời hạn sử dụng đất là 20 năm (nếu đất được giao từ ngày 15/10/1993 trở về trước thì thời hạn được tính thống nhất từ ngày 15/10/1993, nếu đất được giao sau ngày 15/10/1993  thì tính từ ngày giao).

Như vậy các Quy định giao đất của Tiên Lãng có biểu hiện tùy tiện về cả thời hạn lẫn hạn mức diện tích. Theo đúng pháp luật thì thời hạn là 20 năm và hạn mức cho hộ gia đình là từ 2 tới 10 ha. Vậy thì việc thực thi pháp luật căn cứ vào pháp luật của Nhà nước hay căn cứ vào Quyết định của huyện. Ai cũng biết rằng phải căn cứ vào pháp luật của Nhà nước.

Ngôi nhà 2 tầng bị phá hủy

2. Hết thời hạn, các hộ gia đình đều nhận được Thông báo của UBND huyện dừng đầu tư sản xuất nuôi trồng thủy sản trên diện tích đất được giao. Sau khi ban hành Thông báo, UBND huyện ban hành Quyết định thu hồi đất căn cứ vào Khoản 10 Điều 38 của Luật Đất đai (Đất được Nhà nước giao, cho thuê có thời hạn mà không được gia hạn khi hết thời hạn).

Vì việc thu hồi đất xẩy ra sau ngày Luật Đất đai 2003 có hiệu lực thi hành (01/07/2004) nên phải căn cứ vào Luật Đất đai 2003 và Nghị định số 181/2004/NĐ-CP ngày 29/10/2004 về thi hành Luật Đất đai. Khoản 1 Điều 34 của Nghị định 181 quy định rằng khi hết thời hạn sử dụng đất, các hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp sử dụng đất nông nghiệp do được Nhà nước giao được tiếp tục sử dụng đất với thời hạn đã quy định (20 năm), trừ các trường hợp: (1) Nhà nước có quyết định thu hồi đất để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, phát triển kinh tế; (2) Người sử dụng đất cố ý hủy hoại đất; (3) Cá nhân sử dụng đất chết mà không có người thừa kế; (4) Người sử dụng đất tự nguyện trả lại đất; (5) Đất không được sử dụng liên tục trong thời hạn quy định (12 tháng đối với đất trồng cây hàng năm, 18 tháng đối với đất trồng cây lâu năm, 24 tháng đối với đất trồng rừng). Lưu ý rằng, quy định tại Khoản 1 Điều 34 không trừ trường hợp hết thời hạn quy định tại Khoản 10 Điều 38 của Luật Đất đai mà UBND huyện Tiên Lãng lấy làm căn cứ để ban hành Quyết định thu hồi đất. Như vậy quyết định thu hồi đất căn cứ vào Khoản 10 Điều 38 của Luật Đất đai là hoàn toàn trái pháp luật.

3. Các hộ gia đình bị thu hồi đất bắt đầu thực hiện khiếu nại hành chính và khởi kiện hành chính, Tòa án Huyên Tiên Lãng đã xét xử sơ thẩm và tuyên UBND huyện thắng kiện. Các hộ gia đình lại khởi kiện lên tòa án thành phố Hải Phòng để được xét xử phúc thẩm. Tòa án thành phố yêu cầu UBND huyện Tiên Lãng và các hộ gia đình hòa giải, hai bên đã hòa giải theo Biên bản với nội dung là các hộ gia đình rút đơn kiện và UBND huyện sẽ làm thủ tục theo quy định của pháp luật nếu các hộ có nhu cầu tiếp tục sử dụng đất đai. Trên thực tế, UBND huyện không thực hiện theo Biên bản này mà tiếp tục thực hiện cưỡng chế thu hồi đất. Việc thực hiện cưỡng chế thu hồi đất bằng lực lượng vũ trang đã diễn ra và sự chống đối của người dân cũng đã diễn ra.

Điều quan trọng cần rút ra ở đây là nếu không có các Quyết định sai pháp luật của UBND huyện Tiên Lãng về thu hồi đất và cưỡng chế thu hồi đất thì cuộc sống của người nông dân ở đó vẫn bình lặng, lực lượng vũ trang của huyện cũng đỡ vất vả. Việc thu hồi đất sản xuất giao cho hộ gia đình nông dân trước thời hạn 20 năm là một cái sai “tầy đình”.

Vấn đề quyết định thế nào đối với thời hạn sử dụng đất sản xuất nông nghiệp khi hết thời hạn 20 năm đã được xem xét tại Hội nghị lần thứ 7 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa IX (năm 2002), chưa quyết định được và để lại để giải quyết trước thời điểm thời hạn sớm nhất kết thúc là 15/10/2013. Nội dung quan trọng này cũng sẽ được Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa này quyết định vào thời gian tới và cũng là nội dung quan trọng của Luật Đất đai mới sẽ được Quốc hội thông qua trước năm 2013. Vấn đề lớn như vậy mà huyện Tiên Lãng coi như chuyện “vặt”, làm sai hết. Tôi có cảm giác như huyện Tiên Lãng không biết địa phận của mình đang nằm trong lãnh thổ Việt Nam.

Nói gì từ những sự việc áp dụng sai pháp luật của UBND huyện Tiên Lãng

1. Việc áp dụng sai pháp luật đất đai không phải chỉ ở UBND huyện mà ở cả Tòa án nhân dân huyện. Hơn nữa, những luận cứ đưa ra trong áp dụng pháp luật theo kiểu “không trung thực”, kể cả luận cứ của Tòa án nhân dân huyện trong xét xử sơ thẩm. Ở đây cho thấy, khó có thể đạt được tính độc lập của Tòa án cấp huyện khi xử các vụ kiện hành chính đối với quyết định hành chính hoặc hành vi hành chính của UBND cấp huyện. Tòa án thành phố cũng giải quyết nửa vời bằng cách cho thương thảo lại. Đáng nhẽ, khi thu lý vụ án thì Tòa án thành phố phải hiểu ngay những sai trái của chính quyền đang diễn ra, sai không chỉ pháp luật mà còn quyết định trước cả những vấn đề mà Trung ương Đảng chưa quyết định.

2. Nhiều cơ quan hành chính ở địa phương có quan niệm rất sai về cơ chế Nhà nước thu hồi đất. Đã có rất nhiều ý kiến phản ảnh rằng các cán bộ thừa hành ở cấp huyện hay nói “Nhà nước có quyền muốn thu hồi đất của ai thì thu”. Đây là một cách nói rất sai, làm mất uy tín của Nhà nước ta. Cơ chế Nhà nước thu hồi đất được áp dụng theo quy định của luật pháp, chỉ được thực hiện trong những trường hợp nhất định và khi thực hiện phải tuân thủ trình tự, thủ tục rất rõ ràng. Các cơ quan có thẩm quyền cũng chỉ được áp dụng thẩm quyền theo quy định của luật pháp, không thể “dọa dân” bằng quyền lực thu hồi đất “vô biên” như vậy.

3. Theo những nghiên cứu về các nguy cơ tham nhũng trong quản lý đất đai ở nước ta hiện nay, cơ chế Nhà nước thu hồi đất chứa các nguy cơ tham nhũng cao nhất. Đằng sau quyết định thu hồi đất là quyết định sẽ giao đất đó cho ai? Về bản chất, quyết định thu hồi đất là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định lấy đất của người này giao cho người khác. Đằng sau quyết định hành chính này thường chứa chất những mối quan hệ kinh tế phức tạp, dễ gắn với tư lợi của người có thẩm quyền, của cơ quan có thẩm quyền. Vậy thì ai sẽ là người chờ phía sau của quyết định thu hồi đất của UBND huyện Tiên Lãng để chờ được giao đất đã thu hồi của dân. Theo quy hoạch thì đất nuôi trồng thủy sản ở đó vẫn để nuôi trồng thủy sản. Đáng lẽ thì UBND huyện phải tạo điều kiện hỗ trợ nhiều hơn cho người dân đã có công khai phá để nâng cao năng suất và sản lượng. Không làm được vậy thì thôi, đừng làm đảo lộn người sử dụng đất mà tạo nên sự bất ổn định trong Tam Nông.

4. Việc sử dụng lực lượng vũ trang để cưỡng chế thu hồi đất là một biện pháp không hay, các địa phương không nên áp dụng. Việc áp dụng cơ chế thu hồi đất luôn luôn là mối quan hệ giữa chính quyền của nhân dân và nhân dân. Nguyên tắc thuyết phục và đồng thuận, tận dụng sự tham gia của cộng đồng cần được đặt lên hàng đầu. Lực lượng vũ trang có nhiều việc hệ trọng phải tập trung vào làm.

5. Hệ thống kiểm tra của cơ quan hành chính đối với các cơ quan trực thuộc ở ta còn rất kém. Hệ thống giám sát của Hội đồng nhân dân đối với Ủy ban nhân dân ở ta cũng rất yếu. Mọi việc diễn ra ở Tiên Lãng cho thấy rõ điều này. Một việc sai phạm pháp luật về đất đai đến như vậy, ý kiến oan trái của cả một tập thể nông dân nhiều đến như vậy mà không thấy xuất một hình bóng nào của công tác kiểm tra và giám sát.

6. Chính quyền phải giữ chữ “tín” với dân, không thể thỏa thuận với dân một đằng rồi lại làm một nẻo. Vật chất có thể mua được nhưng lòng dân không bao giờ mua được. Dân tin khi những người thay mặt cho chính quyền giữ đúng chữ “tín” trước với dân. Hãy cho dân trước rồi mới lấy đi của dân.

7. Vấn đề đất đai cho nông dân không hề đơn giản. Trong chế độ thực dân, phong kiến, người nông dân trực tiếp sản xuất không có ruộng, phải làm thuê, cuốc mướn, cấy rẽ. Người nông dân đã bị phong kiến, đế quốc bần cùng hóa để phải rời bỏ ruộng vườn. Hầu hết nông dân đã lên đường làm cách mạng vì một mục tiêu rất giản dị: có ruộng để cầy. Người nông dân Việt Nam ít được học nhưng sống luôn có đạo lý, biết hy sinh và cũng biết phẫn nộ.

8. Động viên tốt, người nông dân đã từng nhịn ăn để nuôi các chiến sỹ cách mạng, đã từng đem giường ngủ ra lát đường cho xe ra tiền tuyến, đã từng hiến đất để làm trường học, mở bệnh viện, v.v. Họ hy sinh cả vật chất và tinh thần rất vui vẻ. Những người nông dân đa số là chịu đựng mặc dù biết rằng oan trái. Việc người nông dân oan trái trong mất ruộng đất đang xẩy ra ở nhiều nơi. Đừng coi câu chuyện này đơn giản, xem xét một chiều, vô cảm.

9. Việc động viên các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân tham gia khai hoang, phục hóa, lấn biển là một chính sách lớn của Nhà nước. Cần có nhiều ưu đãi đối với những ai làm tốt việc này. Cái ưu đãi lớn nhất đối với người nông dân là hãy để cho họ ổn định làm ăn khi họ đang sử dụng đất có hiệu quả. Nếu Nhà nước cần đất hãy tính đến chuyện lấy đất ở những nơi đang sử dụng không hiệu quả. Khai khẩn, thuần dưỡng đất hoang hóa là công việc rất nặng nhọc. Trên từng thước đất có mồ hôi, nước mắt và có cả máu của người nông dân nữa. Chúng ta đừng dửng dưng với việc này mà phải hiểu hơn nữa người nông dân mới hy vọng làm cho tam nông tốt lên được.

Vài lời kết

Có thể coi sự việc vừa qua ở Tiên Lãng là đỉnh điểm của những bất cập về cả pháp luật đất đai và việc thực thi pháp luật ở các cấp địa phương. Một người nông dân tốt, thuần chất, ham lao động mà phải bảo vệ quyền lợi đất đai của mình bằng vũ khí tự tạo thì quả là cùng cực. Con người ai cũng tin vào công lý và tin vào công lý đó được pháp luật bảo vệ. Những người nông dân khai phá đất nuôi trồng thủy sản ở Tiên Lãng chắc chắn cũng tin như vậy. Rồi tới tòa án, nơi rất công bằng, mà những chân lý giản dị như họ tự hiểu cũng vẫn không nhìn thấy. Họ phải tự quyết liệt một mình trong vô vọng…

BÀI HỌC NÀO TỪ VỤ CHỐNG CƯỠNG CHẾ Ở HẢI PHÒNG

Bài của VIẾT LÊ QUÂN trên Tuần VN  16/01/2012

TRONG MỤC NÀY (Đọc thêm)

Không khác với năm 1997 khi vụ việc Thái Bình nổ ra, 15 năm sau, vụ chống cưỡng chế ở Hải Phòng xứng đáng được rút ra những bài học sâu sắc về công tác quản lý đất đai, giải quyết khiếu kiện và thực thi cưỡng chế.

Ai bị đẩy sang lề trái con đường?
Câu chuyện thực hiện thu hồi đất bằng biện pháp cưỡng chế đã dẫn tới hệ quả chống cưỡng chế bằng biện pháp bạo lực xảy ra ở huyện Tiên Lãng, Hải Phòng. Như nhiều trường hợp thu hồi đất khác, trong vụ việc Tiên Lãng, hành động hình sự hóa thu hồi đất được khởi nguồn ít nhất từ những dấu hiệu thiếu minh bạch về thủ tục hành chính của chính quyền huyện.

Chủ trương giải tỏa và thu hồi đất của anh Đoàn Văn Vươn ở khu vực đầm thủy sản xã Vinh Quang là nhằm phục vụ cho dự án công ích xây dựng sân bay – như lời một quan chức Hải Phòng – hay còn ẩn chứa động cơ nào khác?

Hình như đã có sự mâu thuẫn rất lớn nếu chiếu theo nội dung trả lời của một quan chức khác – ông Ngô Ngọc Khánh, Chánh văn phòng UBND huyện Tiên Lãng – “Việc giao đầm cho ai là việc sau này, nay cứ giao cho xã Vinh Quang quản lý”.
Cũng liên quan đến vụ việc Tiên Lãng, đã có không ít dư luận nhân dân cho rằng chủ ý của huyện trong việc thu hồi đất đầm của gia đình anh Vươn và một số gia đình khác là nhằm “phân phối” cho những người khác, trong đó có cả người liên quan đến lãnh đạo xã Vinh Quang.

Trong bối cảnh nhập nhoạng kéo dài của công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, không quá ngạc nhiên khi chính quyền huyện Tiên Lãng đã ra quyết định thu hồi đất trước thời hạn kết thúc việc cho thuê đất, kèm theo chính sách đền bù mập mờ mà đã dẫn đến tâm trạng bức xúc đỉnh điểm và phản ứng tự phát của gia đình anh Vươn.

Chỉ có sự kinh ngạc của công luận đã có cơ hội để bộc lộ khi thân phận từng con người được tiết lộ: Đoàn Văn Vươn không phải là người “không tốt” như một quan chức huyện Tiên Lãng khẳng định. Sau một chuỗi dồn đẩy không mệt mỏi của chính quyền(sở tại), “kẻ không tốt” trên đã bị hắt sang lề trái của con đường. Cái lề trái đó đương nhiên bị xem là phạm pháp, còn chủ thể của nó bị coi là kẻ thủ ác, giờ đây đang phải đối diện với cáo trạng về “hành vi giết người”.

Mùi vị của nhóm lợi ích?

Lẽ ra, trong bối cảnh một xã hội có đầy đủ tố chất công bằng, với việc giúp đỡ cộng đồng dân cư ven biển, Đoàn Văn Vươn đã phải được tuyên dương như một trong những người đi tiên phong về điều được gọi là “hài hòa lợi ích xã hội”, thậm chí sẽ không quá nếu tên của anh được viết hoa – điều mà Vladimia Ilich Lenin đã dùng để nói về những người cộng sản chân chính.

Nhưng thật đáng tiếc, nhiều cơ hội viết hoa cho tên người đã bị bỏ lỡ không chỉ bởi tính quan liêu cố hữu của một số cấp chính quyền mà còn do một nguồn cơn sâu xa bất tận đang đe dọa xã hội: nhóm lợi ích.
Nhóm lợi ích cũng là điều mà tất cả mọi người đều đang nói đến với một mối quan tâm sâu sắc, điều mà chính Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã dùng nguyên văn cụm từ này để phê phán, nhưng lại chưa có ai, chưa ở đâu mổ xẻ trực diện các nhóm lợi ích đó là ai, ở chỗ nào.

Vinh Quang chỉ là một xã nhỏ và “rất thuần”. Tiên Lãng cũng chỉ là một huyện nhỏ nằm trong thành phố anh hùng Hải Phòng. Nhưng thái độ thu hồi đất quyết liệt đến mức sẵn sàng, và trong thực tế đã là như vậy, hành chính hóa để tiếp sau đó là hình sự hóa chiến dịch cưỡng chế, lại là một vấn đề không nhỏ chút nào.

Nói cách khác, vụ việc Tiên Lãng đã mang tầm cỡ quốc gia khi đây là nơi đầu tiên đã lần đầu tiên xảy ra hành động người dân chống cưỡng chế đất đai bằng các loại vũ khí có tính sát thương cao.

Như nhiều báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đánh giá, kết quả các cuộc giải quyết khiếu kiện đất đai từ những năm 2005-2006 cho đến nay đã cho thấy tuyệt đại đa số trường hợp khiếu kiện đông người và kéo dài, trong đó có những trường hợp phản ứng và chống cưỡng chế, đều xuất phát từ nguyên nhân đền bù không thỏa đáng, không bảo đảm tái định cư, cưỡng chế sai pháp luật… Nhưng hiếm có hiện tượng chống cưỡng chế đối với những dự án công ích.

Vậy tại sao một con người có cống hiến cho công ích xã hội như Đoàn Văn Vươn lại chống cự mãnh liệt chủ trương thu hồi đất của chính quyền?

Nếu quả thực chủ trương thu hồi đất là dùng cho dự án công ích, lẽ nào đã xảy ra sự đối kháng giữa hai cái thiện trong cùng tư tưởng của một con người?

Tuy vậy, thực tiễn lại thường khác xa những ngôn từ bóng bẩy. Với những gì đã và đang lộ dần ra, người dân huyện Tiên Lãng đang không nhìn thấy bóng dáng của một dự án công ích nào cả.

Thay vào đó là mùi vị của nhóm lợi ích.

Xét ra, với những hậu quả thật sự trầm trọng trong vụ việc này, vụ án khởi tố “giết người và chống người thi hành công vụ” cần được “tái thẩm”, và nếu cần thiết thì phải được “giám đốc thẩm”.

Điều đó cũng có nghĩa là tính chất nghiêm trọng của vụ việc đã vượt khỏi tầm giải quyết của chính UBND huyện Tiên Lãng và thậm chí cả UBND thành phố Hải Phòng.

Với hành động “tức nước…” của người bị thu hồi đất, cùng những dấu hiệu thiếu minh bạch ít nhất về thủ tục hành chính đối với đất thu hồi, một bài học cần được rút ra là không chỉ trường hợp anh Đoàn Văn Vươn mà cả chính quyền UBND huyện Tiên Lãng cần được các cấp có thẩm quyền ở trung ương kiểm tra, thanh tra và xem xét thấu đáo về trách nhiệm đối với những người có trách nhiệm.

VỤ CƯỠNG CHẾ Ở TIÊN LÃNG: CHÍNH QUYỀN HUYỆN, XÃ ĐỀU SAI

Bài của THẾ DŨNG trên Dân trí 16/01/2012

 Nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh nhận định như trên. Ông cho rằng TP Hải Phòng phải rút kinh nghiệm và xử lý nghiêm cán bộ. Dân trí xin giới thiệu bài phỏng vấn của phóng viên báo Người Lao Động với ông Lê Đức Anh.

Phóng viên: Thưa ông, cảm nhận của ông như thế nào khi theo dõi vụ việc thu hồi đất của gia đình ông Đoàn Văn Vươn ở Tiên Lãng – Hải Phòng?

Ông Lê Đức Anh: Tôi đang theo dõi sát vụ việc này nên có thể khẳng định chính quyền sai từ xã đến huyện. Điểm sai đầu tiên là để sự việc kéo dài quá nhiều năm mà không xử lý đến nơi đến chốn và thấu tình đạt lý. Người làm được, làm tốt đáng lẽ phải động viên, tạo điều kiện nhưng lại cố thu hồi của người ta, đó là cái sai thứ hai. Việc thu hồi còn trái pháp luật là cái sai thứ ba. Cái sai thứ tư là chính quyền cố tình vi phạm luật pháp, dồn người dân vào chân tường, làm họ uất ức đến mức phải chống lại.

Vụ việc ở Tiên Lãng là một bài học mà chính quyền cả nước phải rút kinh nghiệm. Cứ để kéo dài nhiều vụ sai phạm của chính quyền địa phương như vậy và xử lý không nghiêm cán bộ sai phạm thì sẽ làm mất lòng tin của nhân dân.

 

Nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh trả lời phỏng vấn của phóng viên Báo Người Lao Động.

Xin ông cho biết quan điểm khi ngôi nhà của gia đình ông Đoàn Văn Vươn không nằm trong phạm vi cưỡng chế nhưng vẫn bị san phẳng, dẫn đến việc họ không còn nơi cư ngụ?

Chính quyền phải bồi thường cho gia đình ông Vươn. Cả gia đình họ mất nhiều năm mới có thành quả như hiện nay mà chính quyền lại muốn thu hồi, điều đó là không được! Nếu TP Hải Phòng và Trung ương không xử lý nghiêm việc này thì rất nguy hại.

Việc phá nhà của dân về mặt đạo lý là không thể chấp nhận, thưa ông?

Đây là hành vi bất chấp luật pháp. Ông Vươn sai thì cứ xử theo luật, còn chính quyền không thể có hành động như vậy.

Ông nhìn nhận thế nào về tình hình sai phạm trong quản lý đất đai hiện nay?

Tình trạng này không chỉ xảy ra ở Hải Phòng mà tôi đã nghe một số nơi cũng có chuyện tương tự. Vì vậy, không chỉ TP Hải Phòng rút kinh nghiệm mà cả nước cũng cần rút kinh nghiệm để không xảy ra những vụ việc tương tự.

Khi còn công tác, ông đã từng xử lý cán bộ nào sai phạm trong quản lý đất đai giống như vụ việc ở huyện Tiên Lãng?

Khi tôi còn công tác, đã có nhiều trường hợp cán bộ sai phạm bị xử lý nghiêm. Chính quyền sai trong phương án cán bộ còn phải thôi chức, chưa nói đến làm sai như vụ việc ở huyện Tiên Lãng.

Nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh nhấn mạnh: “Đang có hiện tượng rất xấu xảy ra ở nhiều địa phương là chính quyền mua rẻ đất của dân rồi bán đắt, trong đó có một phần chia nhau. Chưa kể đất nông nghiệp bị thu hồi làm khu đô thị, khu công nghiệp rồi để hoang hóa nhiều năm. Đây là tình trạng rất nghiêm trọng, cần được rút kinh nghiệm và xử lý nghiêm”.

Theo Thế Dũng

Người Lao Động 

CẦN SỚM SỬA LUẬT ĐẤT ĐAI

Bài của V.V. THÀNH & L.HOÀI trên Tuổi trẻ 16/01/2012

TT – Nhiều năm nghiên cứu hệ thống pháp luật về đất đai và những vấn đề đặt ra từ thực tiễn, luật sư Trần Hữu Huỳnh (trưởng ban pháp chế Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam) nhận định: “Vụ việc cưỡng chế, thu hồi đất của gia đình ông Đoàn Văn Vươn ở huyện Tiên Lãng (Hải Phòng) là trường hợp điển hình cho thấy đã đến lúc cần có cách tiếp cận mới về đất đai”.

Ông Huỳnh cho rằng: “Chúng ta không nên nhìn vụ việc của gia đình ông Đoàn Văn Vươn một cách đơn lẻ, mà cần đặt trong bối cảnh đa số các vụ việc khiếu kiện hiện nay liên quan đến đất đai.

Đôi khi từ khiếu kiện kéo dài đến những hành vi bột phát, thậm chí bạo lực là con đường rất ngắn. Tôi được biết ông Đoàn Văn Vươn đã có quá trình theo kiện quyết định thu hồi đất của UBND huyện Tiên Lãng trước khi xảy ra vụ cưỡng chế. Vấn đề đặt ra là vì sao khi chạm đến đất đai thì câu chuyện lại trở nên bất ổn như vậy?

Theo tôi, hệ thống pháp luật về đất đai của chúng ta hiện nay có một số đặc điểm như sau: thứ nhất là đồ sộ về khối lượng văn bản, trong đó có hệ thống văn bản hướng dẫn thi hành luật; thứ hai là hay thay đổi, khiến người dân và chính quyền địa phương nhiều lúc không theo kịp; thứ ba là điều chỉnh rất nhiều đối tượng và chạm vào vấn đề nhạy cảm nhất đối với người dân.

Ông Trần Hữu Huỳnh – Ảnh: Lâm Hoài

Nhiều cái “nhất ” liên quan đến đất đai

Nếu hệ thống pháp luật không được hoàn thiện, cách hành xử của cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương chỗ này, chỗ khác không đúng pháp luật và không đặt vào vị trí người dân để thấu hiểu sinh kế bằng mồ hôi và máu của họ thì rất dễ dẫn đến rủi ro. Mặc dù đã có những thành công nhất định, nhưng hệ thống pháp luật về đất đai của chúng ta đang ngày càng bộc lộ nhiều bất cập.

Trong một hội thảo gần đây của Phòng Thương mại và công nghiệp VN, các chuyên gia chỉ ra tới 21 cái nhất mang tính tiêu cực liên quan đến đất đai, ví dụ như: lãng phí nhất; tham nhũng, tiêu cực nhiều nhất; giao dịch dân sự thiếu tính bền vững nhất…

LS TRẦN HỮU HUỲNH

 * Ông cho rằng cần có cách tiếp cận mới về đất đai, một vấn đề thời sự hiện nay là thời hạn giao đất 20 năm (theo Luật đất đai 1993) sẽ đến hạn vào năm 2013. Đã có ý kiến chính thức của Hội Nông dân VN đề nghị nên sửa luật để nâng thời hạn giao đất lên 50-70 năm. Ông nghĩ sao?

– Chúng ta cần nhìn vào xu hướng phát triển, sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu dân số ngày càng mạnh mẽ hơn chứ không như trước đây. Rõ ràng những bạn trẻ sinh ra ở nông thôn đang ngày càng ly nông nhiều hơn. Đó là quy luật.

Mặt khác, việc giao đất lâu dài hơn (50-70 năm thay vì 20 năm) cũng chứa đựng những vấn đề về lâu dài. Nghĩa là chúng ta đặt vào tương lai một sự biến động chưa tiên liệu được, một lúc nào đó lại phải loay hoay tính toán thu hồi đất, đo lại đất, cấp lại đất và người nông dân được giao đất không thật sự yên tâm để đầu tư một cách lâu dài.

Tôi nghĩ rằng cách tiếp cận theo hướng giao đất từ 50-70 năm có thể là giải pháp trước mắt, nhưng chưa thật sự căn cơ, vẫn gây ra lãng phí đất đai. Nếu quy định pháp luật và quá trình thực thi không chặt chẽ có thể dẫn đến nơi này, nơi khác có sự trục lợi. Nên tiếp cận vấn đề theo hướng khác.

Một trong những gốc rễ của câu chuyện giao đất có thời hạn là ở chế độ sở hữu đất đai. Nếu bàn luận để giải quyết từ gốc rễ thì sẽ bền vững hơn.

* Thưa ông, hiện nay các nhà làm chính sách và giới nghiên cứu tiếp cận vấn đề sở hữu đất đai như thế nào?

– Thật ra trong lịch sử chúng ta từng có chế độ đa sở hữu về đất đai. Theo quy định Hiến pháp và pháp luật hiện nay thì đất đai thuộc sở hữu toàn dân. Đây là điểm ta khác với nhiều nước trên thế giới.

Lâu nay có nhiều cách tiếp cận, có thể chia thành ba nhóm ý kiến. Thứ nhất, giữ nguyên như quy định hiện hành. Thứ hai, đất đai thuộc sở hữu toàn dân, nhưng mở rộng hơn nữa các quyền của Nhà nước trao cho người sử dụng đất sao cho tiệm cận với quyền sở hữu, quy định để các quyền đó được thực thi một cách hiệu quả nhất. Nhóm ý kiến này lập luận theo hướng “bình cũ, rượu mới”. Thứ ba, có những ý kiến mong muốn đi xa hơn, công nhận đa sở hữu về đất đai. Trong đó có sở hữu nhà nước đối với đất công, sở hữu tư nhân đối với một số loại đất và sở hữu tập thể (hay còn gọi là sở hữu chung).

* Ông có thể nói rõ hơn thế nào là đa sở hữu về đất đai?

– Đa sở hữu về đất đai nghĩa là cùng lúc tồn tại nhiều hình thức sở hữu, trong đó hai hình thức quan trọng là sở hữu nhà nước và sở hữu tư nhân. Ở đây, nhiều ý kiến đề nghị cho sở hữu tư nhân đối với đất ở và đất nông nghiệp.

Bên cạnh đó, cũng có nhiều ý kiến cho rằng nên có hình thức sở hữu tập thể, không phải sở hữu theo mô hình hợp tác xã cũ mà là sở hữu chung của một cộng đồng dân cư đối với diện tích đất nào đó phục vụ các sinh hoạt chung của họ. Ví dụ như đất đai xây dựng đình làng, nhà văn hóa ở khu dân cư… Ngoài đất đai thuộc sở hữu tư nhân và sở hữu chung, còn lại là đất công thuộc sở hữu nhà nước, cụ thể như các công sở, đất quốc phòng, an ninh…

* Cá nhân ông ủng hộ đề xuất nào?

– Trong những năm đầu đổi mới, cơ chế khoán là một động lực hết sức quan trọng. Tôi nghĩ đã đến lúc chúng ta cần thêm động lực cho quá trình đổi mới tiếp theo. Trong lĩnh vực đất đai, chúng ta đã nhìn thấy có rất nhiều bất cập, không thể tiếp tục duy trì mãi cơ chế cũ đang cản trở năng lực cạnh tranh của đất nước.

Nhiều chuyên gia am hiểu sâu về vấn đề này đã nhận định việc công nhận đa sở hữu đất đai sẽ tạo được động lực cho đầu tư, giảm tham nhũng trong quản lý đất đai, tăng hiệu quả sử dụng đất và tạo điều kiện tốt cho hội nhập kinh tế quốc tế. Tất nhiên để đi đến đa sở hữu đất đai cần có lộ trình phù hợp, bởi vì ở đây còn yếu tố lịch sử không thể giải quyết được ngay một lúc.

Về mặt lý luận, cương lĩnh của Đảng (năm 1991) diễn đạt đặc trưng kinh tế của xã hội XHCN là “có một nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và chế độ công hữu về các tư liệu sản xuất chủ yếu”.

Tại Đại hội XI, đa số đại biểu đã biểu quyết đồng ý cách diễn đạt mới “có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại với quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp”. Tôi nghĩ rằng cách diễn đạt mới đó có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc mở đường cho những thảo luận cần thiết hiện nay về chế độ sở hữu đất đai.

* Nhưng vẫn còn ý kiến cho rằng phải giao đất có thời hạn để còn có thể chia lại đất đai để bảo đảm “người cày có ruộng”?

– Nông dân có ruộng là điều cần thiết, nhưng là bao nhiêu nông dân. Nhiều nước chỉ có khoảng 10% dân số làm nông nghiệp nhưng sản phẩm cũng như sản lượng nông nghiệp của họ vẫn nằm trong nhóm hàng đầu thế giới.

Có nhiều yếu tố để đảm bảo an ninh lương thực và một trong những yếu tố quan trọng nhất vẫn là áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật. Nếu giao đất có thời hạn, người dân vẫn lấn cấn đây không phải đất của mình, họ sẽ không tập trung hoàn toàn để đầu tư sản xuất, đặc biệt là trong giai đoạn cuối của thời hạn giao đất.

Thêm nữa, khi giao đất có thời hạn nghĩa là quyền của người sử dụng đất phần nào bị hạn chế, các giao dịch dân sự liên quan không vận hành tốt, khó phát huy mặt tích cực của thị trường, nghĩa là khó sản xuất lớn, khó đạt năng suất cao hơn.

Quá trình tích tụ đất đai để sản xuất lớn không chỉ một vài chục năm mà có thể phải qua nhiều thế hệ, do vậy việc giao đất dù với thời hạn 50-70 năm cũng sẽ hạn chế quá trình đó.

Hiện nay, việc bảo vệ quyền lợi cho người nông dân nên nhìn rộng ra trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu, mà cạnh tranh về nông sản đang rất quyết liệt.

Chúng ta cần một nền nông nghiệp có sức cạnh tranh cao hơn, chiếm lĩnh thị trường thế giới nhiều hơn, đó là cách duy nhất để đảm bảo quyền lợi tốt hơn cho những người đang trực tiếp sản xuất nông nghiệp, đồng thời có nguồn lực dồi dào hơn từ xuất khẩu để giải quyết các vấn đề của đất nước, ví dụ như vấn đề biến đổi khí hậu, vấn đề an sinh xã hội…

Chúng ta biết rằng Hà Lan là một quốc gia nhỏ bé, phần lớn diện tích đất nằm dưới mực nước biển, nhưng họ xuất khẩu nông sản cho toàn thế giới, được mệnh danh là “vườn hoa, vườn rau” của châu Âu, đó là nhờ áp dụng các phương pháp quản lý và sản xuất theo công nghệ hiện đại. Liệu chúng ta có thể đi lên sản xuất lớn, cơ giới hóa, áp dụng công nghệ hiện đại trên hàng triệu mảnh ruộng manh mún hay không? Câu trả lời là rất khó.

* Như vậy theo ông, nên bỏ quy định về hạn điền?

– Chính sách dù có mục tiêu rất tốt nhưng dẫn đến mất khả năng cạnh tranh thì có nên duy trì hay không? Tôi nghĩ rằng một nền kinh tế có khả năng cạnh tranh, có tích lũy sao cho dân giàu, nước mạnh là mục tiêu cao nhất. Tuyệt đối không nên chấp nhận sự bình quân trong nghèo đói hoặc chậm phát triển.

Ông Vũ Mão – Ảnh: Lâm Hoài

 

 Ông Vũ Mão (nguyên thành viên Ủy ban sửa đổi Hiến pháp 1992): Nên trưng cầu ý dân

Quốc hội khóa VIII (1987-1992) từng thảo luận rất sôi nổi về một số quy định liên quan đến vấn đề đất đai trong dự thảo Hiến pháp 1992. Lúc bấy giờ đã có những ý kiến trong Quốc hội ủng hộ thừa nhận về đất đai có sở hữu toàn dân và hình thức sở hữu khác, nghĩa là “đa sở hữu đất đai”.

Trong không khí những năm đầu đổi mới, nhiều người rất hào hứng, đề cập việc đổi mới tư duy về đất đai, có sở hữu toàn dân và có hình thức sở hữu khác, tùy trường hợp cụ thể để quản lý theo pháp luật. Tất nhiên, cũng có những ý kiến đề nghị dứt khoát đất đai thuộc sở hữu toàn dân.

Lần này chúng ta đang sửa đổi Hiến pháp, đây là dịp để nghiên cứu và thảo luận kỹ càng về vấn đề đất đai. Bây giờ cần phải thảo luận dân chủ, những vấn đề lớn cần phải trưng cầu ý dân, làm rõ và cung cấp đầy đủ thông tin cho nhân dân về thực tiễn hiện nay, chế độ sở hữu đất đai ở các nước như thế nào.

 

“VỤ TIÊN LÃNG LÀ MỘT TỔN THẤT CHÍNH TRỊ LỚN”!

Bài của NGUYỄN QUỐC THƯỚC trên Tuần VN 16/01/2012

TRONG MỤC NÀY (Đọc thêm)

 Những ngày cuối năm Tân Mão, bên cạnh những lo toan bận rộn cho ngày Tết Nguyên đán sắp tới gần, dư luận cũng không quên dành sự chú ý cho hai vụ án đang gây xôn xao: xét xử sát thủ Lê Văn Luyện, và vụ việc chống người thi hành công vụ trong việc cưỡng chế đất tại Tiên Lãng, Hải Phòng. 

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, nguyên Tư lệnh Quân khu 4, đại biểu Quốc hội khóa IX, X, XI, cũng không ngoại lệ. Mang nặng những tâm tư, trăn trở lão tướng 86 tuổi chia sẻ suy nghĩ của ông về ‘vụ án Đoàn Văn Vươn’:

Theo tôi, sai lầm lớn nhất trong toàn bộ việc này là dư âm và hậu quả của nó sẽ không chỉ dừng lại ở phạm vi Tiên Lãng, Hải Phòng; mà sẽ tác động đến tình hình chung của toàn đất nước. 

Những việc tranh chấp đất đai, mâu thuẫn giữa nhân dân với chính quyền đã xảy ra từ cách đây 20 năm, từ những năm 1990 – 1992. Nhiều địa phương đã phải rút kinh nghiệm rồi, nhưng 20 năm sau một cấp ủy, chính quyền để xảy một sự việc như thế này là một vấn đề không thể chấp nhận được.

Sự việc đúng – sai sẽ còn phải thẩm tra nhiều trên cơ sở các văn bản luật, và Luật đất đai hiện nay vẫn còn nhiều nhược điểm; nhưng dù thế nào đi nữa thì việc để xảy ra sự việc vẫn không thể được. Chưa nói đến việc có thể có việc làm sai luật hay có những động cơ không trong sáng ở phía chính quyền địa phương đằng sau, thì cái sai càng đặc biệt nguy hiểm.

Tướng Nguyễn Quốc Thước

 Nói cho cùng, dù là chủ trương đúng hay lý lẽ đúng, mà chủ trương ấy đẩy người dân vào tù; chiến sĩ lực lượng vũ trang bị bắn thương tích thì việc cưỡng chế đó được mấy chục ha hay mấy trăm ha đất vẫn đều là cái giá quá đắt. Tính chất chính trị của vụ việc sẽ có những tác động sâu xa đến chế độ này như thế nào? 

Có thể nói, chủ trương của các cấp lãnh đạo trong hệ thống chính quyền địa phương trong vụ việc này đã không trên cơ sở vì lợi ích của quốc gia và nhân dân; đặc biệt là lợi ích quốc gia là trên hết. 

Cho dù luật có thể có hạn chế, nhưng một cấp ủy vì dân sẽ biết cách hạn chế được những thiệt hại đó. Còn việc Luật hiện nay có phù hợp không thì ta phải chờ Quốc hội bàn bạc. 

 Để xảy ra hậu quả này, không chỉ chính quyền Tiên Lãng, mà những lãnh đạo cấp trên như TP Hải Phòng, bộ ngành phải đều phải chịu trách nhiệm. Tôi rất ngạc nhiên một sự việc nghiêm trọng như vậy đã xảy ra mà đến giờ này các cấp lãnh đạo Hải Phòng vẫn chưa hề có tuyên bố gì chính thức, vẫn chỉ để ông Chủ tịch huyện Tiên Lãng phát biểu.

Không lẽ Tỉnh ngồi đó, để mặc Huyện và Xã tự làm gì thì làm? 

Dù sao vẫn còn may dân mình rất hiền lành, kiên nhẫn, và nghe theo lời của Đảng và Nhà nước. Cho nên có những việc người dân biết mình bị thiệt hại nhưng họ thấy thôi dân mất nhưng Nhà nước được thì cũng thế cả, nên người dân kiên nhẫn chứ không phải họ không biết gì đâu. Nhưng cũng có những người không kiên nhẫn, kiềm chế được thì xảy ra manh động. Đây là lỗi của những lãnh đạo cấp ủy.

Qua báo chí, tôi đọc lời phát biểu của ông nguyên Bí thư đảng ủy xã Vinh Quang (♥), Tiên Lãng, người đã giao đất cho anh Đoàn Văn Vươn mười mấy năm trước thấy rất nhiều vấn đề. Ông là người thế hệ trước, là người giao đất và chứng kiến người nông dân ấy vỡ hoang từ những ngày đầu. Ông cũng là người nắm rõ chủ trương và hoàn cảnh của người dân nhất. 

Những anh sau này mới lên thì đã biết gì, sao nắm được những lịch sử ấy mà lại hồ đồ cho rằng “anh Vươn không có công lao gì”, rồi dùng quyền lực cá nhân áp đặt (♣).

 Chưa nói sau những việc này là động cơ gì thì còn sâu xa hơn nữa. Những người đó sao đại diện cho dân được.

 Theo tôi sau vụ này, toàn bộ các cấp từ tỉnh huyện xã, đến tòa án, quân đội, công an đều phải nghiêm túc ngồi lại kiểm điểm và nghiêm khắc rà soát kỷ luật, làm rõ trách nhiệm của từng cá nhân.

Mọi việc cụ thể còn phải chờ cơ quan chức năng điều tra tỉ mỉ, nhưng có điều rõ ràng vụ việc Tiên Lãng là một tổn thất chính trị lớn cho uy tín của các cấp ủy và chính quyền Hải Phòng và ảnh hưởng xấu đến cả nước. 

(♥) Ông Phạm Văn Danh, nguyên Bí thư đảng ủy xã Vinh Quang: “Để thực hiện “canh bạc” với trời đất, ông Đoàn Văn Thiểu, bố của Vươn đã phải bán đàn vịt 1.000 con và 20 tấn thóc. Vươn huy động tất cả anh chị em cùng bà con, làng xóm cùng tiến ra vùng biển hoang… Nhiều năm vật lộn với trời đất được đền đáp bằng bờ kè dài chừng hai km, tạo nên bãi bồi màu mỡ, giải quyết công ăn việc làm cho nhiều lao động địa phương. Khu đầm còn là lá chắn vững chãi cho khu dân cư phía trong đê. Tôi và cả xã Vinh Quang không ngờ Vươn làm được và thành công”♥

(♣) Ông Ngô Ngọc Khánh, Chánh văn phòng UBND huyện Tiên Lãng “Anh Vươn không phải người tốt. Nói đúng ra, anh Vươn chẳng có công lao gì, cũng chẳng phải là người đi đầu vì sử dụng hàng chục ha và thu lời nhưng không đóng góp gì cho địa phương. Đặc biệt từ năm 2007 đến nay, anh hoàn toàn ăn không. Anh đắp đê để thu lợi cá nhân chứ có ích gì cho xã hội”♣

Theo Vnexpress 

Công vụ, tư vụ ?

Bài NQL trên Quê choa 17/01/2012

Về vụ Tiên lãng, cái sai của chính quyền đã mười mươi, có mà cãi đằng giời. Nay mai thanh tra chính phủ, Bộ công an nhất định sẽ làm đến nơi đến chốn. Bởi vì nói như tướng Thước :” “Vụ Tiên Lãng là một tổn thất chính trị lớn”. Đảng không thể để chính quyền Tiên Lãng ( cả chính quyền Hải Phòng nữa) lộng hành làm mất thể diện Quốc gia, mất uy tín Đảng. Hơn nữa Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ứng cử đại biểu Quốc hội tại Tiên lãng, ông biết làm gì để xứng đáng với lá phiếu nhân dân bầu cho ông.*

Bây giờ nên xét xem tội của Đoàn Văn Vươn đến đâu? Ai cũng nói việc chống lại người thi hành công vụ là sai, cần phải nghiêm trị. Đúng rồi, không nghiêm trị có mà loạn à? Nhưng  trong vụ Tiên Lãng, những người cưỡng chế thu hồi đất anh Vươn họ đang thi hành công vụ hay tư vụ? Đây là mấu chốt vấn đề để xét xem anh Vươn có tội hay không.

Để trả lời câu hỏi đó cần phải xét xem Chính quyền thu đất của anh Vươn để làm gì?  Nếu thu đất không phải vì an ninh quốc phòng thì thu đất vì mục đích gì? Tại sao Thu đất vội vã và hồ đồ như vậy? Vì việc công tại sao lại phải lừa dân? Thu xong rồi phân phối cho ai. Những người sẽ được Chính quyền cho sử dụng đất anh Vươn, họ là ai?  Khi đó người ta khẳng định ngay được động cơ của chính quyền trong  việc cưỡng chế đất anh Vươn. Khi động cơ là trục lợi ( cho cá nhân hay tập thể thì cũng rứa) thì chính quyền không làm việc công, họ chỉ nhân danh việc công để làm việc tư.

Mình rất tâm đắc với bác Nguyễn Quang A khi đọc bài “Vài câu hỏi về vụ Đoàn Văn Vươn” của bác. Bác A viết: “Nếu quyết định thu hồi đất là trái luật, thì việc cưỡng chế thu hồi đất là trái luật và trong trường hợp đó những người tham gia cưỡng chế có thể được coi là “những người thi hành công vụhay không? Việc lực lượng cưỡng chế tiến vào đất không bị cưỡng chế đã minh chứng rõ ràng về việc làm sai trái của họ và như thế khó có thể gọi họ là những người “thi hành công vụ” mà phải gọi là “những kẻ lạm hành công vụ”. Và nếu như vậy thì quyết định khởi tố vụ án “chống người thi hành công vụ” liệu có trái luật hay là sự lạm quyền?” Đây là một cơ sở để các luật sư bênh vực cho anh  Đoàn Văn Vươn.

Nhân danh việc công để làm việc tư  chính là tham nhũng. Những người chống lại những kẻ nhân danh việc công để làm việc tư, tức chống lại bầy sâu tham nhũng, có tội hay có công? Nếu chỉ ra được động cơ trục lợi của Chính quyền Tiên Lãng thì hành động của anh Vươn là có công chứ không phải có tội! Thế thì tại sao tống  giam anh Vươn khi anh ” ngoại phạm” trong vụ đụng độ ở Cống Rộc?

Đến đây thì xin hỏi Đảng, Nhà nước một câu: qua vụ Tiên Lãng, khi chính quyền sai trái, dân có quyền được chống lại hay không? Được hay không, chỉ vậy thôi, xin đừng tuy nhiên tuy vậy nhưng mà…, khổ lắm.

……………….

*Tin mới nhất: Thủ tướng: ‘Làm rõ trách nhiệm vụ cưỡng chế ở Hải Phòng’: “Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch UBND Hải Phòng kiểm tra làm rõ đúng, sai và trách nhiệm của cá nhân, tổ chức trong việc giao, sử dụng, thu hồi và tổ chức cưỡng chế đất đối với hộ gia đình ông Đoàn Văn Vươn. UBND TP Hải Phòng có trách nhiệm báo cáo Thủ tướng.

 

Cười và thất vọng cho lề lối làm việc cẩu thả chỉ có ở Việt Nam

Bài của NGUYỄN QUANG VINH trên Quechoa 17/01/2012

NQV:Trong câu chuyện trao đổi về những tình tiết sai phạm trong vụ cưỡng chế đất tại Tiên Lãng, luật sư Ngô Ngọc Trai đã phát hiện một chi tiết thú vị,  mới xảy ra, ở ngay một Bộ được coi là Tư lệnh ngành về đất đai: Bộ Tài nguyên môi trường.

Văn bản mới nhất và có giá trị thực thi cao nhất trong việc thu hồi đất là Nghị định số 69/2009/NĐ-CP ngày 13/8/2009 của Chính phủ quy định bổ sung về quy hoạch sử dụng đất, giá đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư.

Ngày 13/8/2009 Chính phủ ban hành Nghị định 69 thì đến ngày 23/10/2009 Bộ tài nguyên môi trường có văn bản đính chính số 181/ĐC-CP đính chính Nghị định số 69. Nội dung cụ thể như sau, trích nguyên văn: “Do sơ suất trong khâu đọc soát, thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, xin đính chính một số sai sót trong Nghị định số 69/2009/NĐ-CP ngày 13 tháng 8 năm 2009 của Chính phủ quy định bổ sung về quy hoạch sử dụng đất, giá đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư như sau:1. Tại trang 5 dòng thứ 7 từ trên xuống (khoản 5 Điều 9), viết là: “các khoản 1, 2 và 3”. Nay xin sửa lại là: “các khoản 2, 3 và 4”.

2. Tại trang 21 dòng thứ 13 từ trên xuống (điểm a khoản 1 Điều 32), viết là: “các Điều 27, 28, 29 và 38”. Nay xin sửa lại là: “các Điều 29, 30 và 31”.

3. Tại trang 21 dòng thứ 15 từ trên xuống (điểm b khoản 1 Điều 32), viết là: “ khoản 6 Điều 29”. Nay xin sửa lại là: “khoản 4 Điều 31”.

4. Tại trang 22 dòng thứ 8 từ dưới lên (điểm e khoản 1 Điều 34), viết là: “khoản 1 Điều 22”. Nay xin sửa lại là: “khoản 1 Điều 19”.

5. Tại trang 28 dòng thứ 13, 14 và 15 từ trên xuống (điểm a khoản 2 Điều 41), viết là: “Điều 10, Điều 12, bỏ nội dung quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chi tiết của khu công nghệ cao, khu kinh tế quy định tại các Điều 14, 30, 52, 125, 126, 127 và 141 Nghị định số 181/2004/NĐ-CP”.

Nay xin sửa lại là: “Điều 10, Điều 12; nội dung quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chi tiết của khu công nghệ cao, khu kinh tế quy định tại Điều 14; Điều 30; khoản 2 Điều 31; các Điều 52, 125, 126, 127 và 141 Nghị định số 181/2004/NĐ-CP”.

6. Tại trang 28 dòng thứ 16 và 17 từ trên xuống (điểm b khoản 2 Điều 41), viết là: “các Điều 3, 6, 10, 19 và 27, khoản 1 Điều 28, 32, 36, 39 và 48 Nghị định số 197/2004/NĐ -CP”.

Nay xin sửa lại là: “các Điều 3, 6, 10, 19 và 27; khoản 1 và khoản 2 Điều 28; các Điều 32, 36 và 39; điểm b khoản 1 Điều 44; Điều 48 Nghị định số 197/2004/NĐ -CP”.

7. Tại trang 28 dòng thứ 14 từ dưới lên (điểm d khoản 2 Điều 41), viết là: “khoản 1 Điều 2, khoản 4, khoản 5 và khoản 6 Điều 4 Nghị định số 17/2006/NĐ-CP”.

Nay xin sửa lại là: “khoản 1 Điều 2; các khoản 1, 4, 5 và 6 Điều 4 Nghị định số 17/2006/NĐ-CP”.

8. Tại trang 29 dòng thứ nhất từ trên xuống (khoản 4 của Điều 41), viết số thứ tự khoản là: “4”. Nay xin sửa lại số thứ tự của khoản này là: “3”./.

Nghị định 69/2009 có 41 điều thì có sai sót ở 8 điều và phải đính chính sửa đổi.

Văn bản này do Bộ tài nguyên môi trường soạn thảo trình chính phủ ban hành, Bộ trưởng bộ tài nguyên môi trường Phạm Khôi Nguyên ký ban hành văn bản đính chính.

Một nghị định của chính phủ được ban hành mà có từng ấy lỗi sai sót thì cho thấy sự cẩu thả, vô trách nhiệm của cơ quan soạn thảo ban hành đến chừng nào? Khoan chưa phân tích làm rõ xem nội dung đính chính của Bộ tài nguyên môi trường sẽ khiến cho văn bản chính thức của chính phủ có lợi hay bất lợi hơn cho người dân trong việc thu hồi đất, thì với ngần ấy sai phạm sẽ gây khó khăn rất nhiều cho các cấp chính quyền trong việc áp dụng chính sách pháp luật. Và điều này rõ ràng là làm mất đi sự uy nghiêm của văn bản do chính phủ ban hành.

Điều đáng sợ nữa, khi hai văn bản cùng về, một Văn bản chính, một Văn bản đã chỉnh sửa mà các cấp, các đơn vị vì lý do nào đó, không chỉnh sửa, hoặc khi thực thi lại chỉ nhăm nhăm vào bản Thủ tướng ký mà không màng đến bản chỉnh sữa do Bộ trưởng ký, thì đúng là rối như canh hẹ, không kiện cáo, không cãi cọ, không gây sự nhau mới lạ.

Sai be bét như thế tại sao người ta không nghĩ tới việc thu hồi ngay Nghị định ấy, bổ sung, chỉnh lý cẩn thận, in lại cho tử tế nhỉ? Đơn giản như thế người ta cũng không nghĩ ra, lại gửi kèm cả một văn bản đính chính rối như canh hẹ thì ai tính được hậu quả trong việc thực thi ở cơ sở như thế nào ta? Thôi đọc xong bà con cùng cười nhé: Hu hu

Thôi, mệt quá, không bình luận gì nữa.

Nguồn:Ở ĐÂY

Nghị định 69

Theo blog NQV, đầu đề của QC

GS NGUYỄN MINH THUYẾT : VỤ TIÊN LÃNG VÀ BÀI HỌC LÒNG DÂN

Bài ghi pv của HOÀNG HƯỜNG trên VietNamNet 02/02/2012

TRONG MỤC NÀY (Đọc thêm)

“Chúng ta đã có bài học về lòng dân từ Thái Bình năm 1997 rồi, nhưng lâu nay có lẽ đã quên, mà quên lần này là hỏng hẳn” – nguyên Đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Thuyết nhận định.

Những ngày trước và sau Tết Nguyên đán, dư luận xôn xao, bất bình về vụ cưỡng chế đất ở Tiên Lãng. Ông có suy nghĩ gì về sự việc này?

Gần một tháng qua, đã có nhiều ý kiến của rất nhiều nhà báo, nhân sĩ, chuyên gia, cựu lãnh đạo, trong đó có ý kiến của Đại tướng Lê Đức Anh, nguyên Chủ tịch nước; Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, nguyên ĐBQH; GS Đặng Hùng Võ,  nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường… phân tích rất đầy đủ, sâu sắc và toàn diện về vụ việc.

Nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh cho rằng trong vụ việc này, chính quyền từ huyện đến xã đều sai, khiến cho người dân bị đẩy đến đường cùng phải chống người thi hành công vụ. Trong bài trả lời phỏng vấn đăng tải sáng nay,  nguyên Chủ tịch Lê Đức Anh còn nhấn mạnh: “Đây là việc mà chính quyền Hải Phòng cần phải xử lý thẳng thắn, phải xử lý một cách cụ thể, làm rõ những sai phạm của từng cán bộ địa phương. Muốn được lòng dân thì phải xử lý nghiêm những cán bộ làm sai, không xử lý nghiêm sẽ làm giảm lòng tin của nhân dân.”

Chuyên gia về đất đai, nguyên Thứ trưởng Đặng Hùng Võ, và nhiều luật sư đã phân tích rất rõ những sai phạm của chính quyền trong việc diễn giải và áp dụng Luật Đất đai, cũng như trong công tác tổ chức cưỡng chế.

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước đưa ra những lời nhận định đáng suy ngẫm về tác động xấu của vụ việc tới tình hình an ninh chính trị xã hội của đất nước, coi đây là bài học đắt giá về công tác lãnh đạo.

Gần đây nhất có một bài viết hết sức công phu và thuyết phục của GS Hoàng Xuân Phú, công tác ở Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Ông phân tích hành vi của cơ quan công quyền trong vụ việc này là hoàn toàn sai trái, không thể gọi là thi hành công vụ một cách chính danh.

Tất cả các ý kiến phát biểu và bài viết nói trên đều đã nói rất đầy đủ những điều cần nói.

Tôi chỉ muốn nói thêm rằng bên cạnh hành vi thu hồi đất trái pháp luật, chính quyền huyện Tiên Lãng còn bội tín với dân, thể hiện qua việc lập biên bản hoà giải tại toà án đồng ý cho dân tiếp tục thuê đất để dân rút đơn kiện, rồi bất ngờ đem lực lượng đến cưỡng chế. Đây có thể coi là hành vi đặc biệt nghiêm trọng, không thể chấp nhận được, làm mất đi tính chính danh của chính quyền.

Hơn nữa, việc tổ chức lực lượng cưỡng chế hàng trăm người, dồn ép dân, hủy hoại tài sản của dân ngay trước Tết Nguyên đán là hành động trái đạo lý, vô nhân đạo và vi phạm trắng trợn pháp luật của những người có chức vụ ở Tiên Lãng cũng như TP Hải Phòng.

Nguyên Đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Thuyết. Ảnh: Lê Anh Dũng

Qua toàn bộ sự vụ, những phát ngôn mập mờ, bất nhất và vô trách nhiệm của những người có trách nhiệm, có thể thấy đằng sau vụ việc này có dấu hiệu tư lợi.

Điều tôi băn khoăn hơn cả là các ban ngành, từ Trung ương đến địa phương vào cuộc quá chậm. Vụ việc đã xảy ra cả tháng, ngoài Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cử đoàn giám sát về trước Tết, đến nay mới thấy Bộ Tài nguyên Môi trường, Thanh tra Chính phủ bắt đầu vào cuộc.

Các ĐBQH ở đâu trong vụ Tiên Lãng?

LS Lê Đức Tiết, thành viên đoàn giám sát của UB Mặt trận tổ quốc về Tiên Lãng có bày tỏ trăn trở vì sao một sự việc mà có hai cách nhìn nhận sự việc hoàn toàn đối lập nhau gay gắt giữa cán bộ Đảng, chính quyền, cán bộ Mặt trận xã, huyện, của cán bộ chính quyền tỉnh với nhân dân dịa phương. Theo ông, vì sao lại có hiện tượng như vậy?

Cũng phải hỏi thêm rằng tại sao không chỉ có nhân dân Tiên Lãng mà báo chí và các chuyên gia, các cựu lãnh đạo cũng đứng về một phía khi nhận định về vấn đề Tiên Lãng. Vì sao lại thế?

Và tại sao trong toàn bộ sự việc không hề thấy bóng dáng các đại diện của nhân dân ở đâu. Ngoài đại diện của Hội nghề cá, thì các đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân TP Hải Phòng và huyện Tiên Lãng đang ở đâu?

Trước một việc nghiêm trọng như vậy, vì sao không thấy nói Đoàn ĐBQH TP Hải Phòng đã cử người về giám sát? Riêng các đại biểu được người dân Tiên Lãng bầu ra, chẳng lẽ họ phải đợi chính quyền phân công thì mới về gặp dân sao?

Thông thường mỗi người dân nước ta đều có đến 7 – 8 đại diện từ các hội đoàn, tổ chức… thế mà suốt tháng nay không thấy một đại diện nào của người dân huyện Tiên Lãng và TP Hải Phòng lên tiếng, ngoài các vị đóng cả vai hành pháp, lên tiếng đòi xử lý dân về hành động chống người thi hành công vụ hoặc đổ lỗi cho dân. Vậy trách nhiệm của người đại diện nhân dân ở đâu?

Không chỉ LS Lê Đức Tiết băn khoăn về ‘hố ngăn cách’ giữa dân và chính quyền, mà từ lâu cơ chế làm việc của ta đã thể hiện nhiều bất cập.

Báo chí cũng chỉ ra những mối quan hệ mật thiết có dấu hiệu cấu kết phe cánh, tư lợi như anh em ruột chủ tịch huyện Tiên Lãng, chủ tịch xã Vinh Quang; tên tuổi của những người sẽ được giao đầm tôm sau khi thu hồi và quan hệ của họ với những người trong chính quyền.

Tệ hơn, đã có những thông tin về các tay anh chị giang hồ xuất hiện trong vụ cưỡng chế. Tại sao chính quyền lại có thể sử dụng hoặc “phối hợp” với giang hồ trong vụ cưỡng chế.

Chẳng lẽ đã đến mức chính quyền “đi đêm” với những lực lượng như thế trong việc trấn áp dân?

Dân không phải là địch

Theo ông, nên nhìn sự kiện Tiên Lãng như một hiện tượng cá biệt hay là một dấu hiệu cảnh báo những nguy cơ bất ổn như nhận định của LS Lê Đức Tiết rằng, Tiên Lãng là lời cảnh báo cho những “cơn sóng ngầm trong lòng dân“?

Thật ra những mâu thuẫn giữa chính quyền địa phương với nhân dân xung quanh chuyện thu hồi đất đai, giải phóng mặt bằng không phải xảy ra lần đầu. Nếu chỉ có một vài vụ thì có thể nói đó là sai sót của một vài địa phương. Nhưng khi một hiện tượng xảy ra phổ biến, chiếm tới 80% các vụ khiếu kiện thì có thể nói là cái sai của chính sách.

Không được giải quyết hợp lý hợp tình, đất đai sẽ là ngòi nổ của những vụ gây mất ổn định xã hội.

Vụ cưỡng chế đầm nuôi tôm ở Tiên Lãng là một vụ đỉnh điểm để chúng ta nhìn lại nhiều vấn đề: 1, lòng dân; 2, chính sách đất đai; 3, việc thực hiện quyền dân chủ; 4, trách nhiệm “công bộc” của Nhà nước trước dân.

Để giải quyết tận gốc vấn đề, theo tôi, việc đầu tiên phải quán triệt một vấn đề tưởng hiển nhiên, nhưng đang bị nhiều lãnh đạo nhầm lẫn: DÂN KHÔNG PHẢI LÀ ĐỊCH.

Đối xử với dân, tức là những người chủ của đất nước, phải thực sự “kính trọng và lễ phép”, “việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh”  như lời huấn thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Chúng ta đã có bài học về lòng dân từ Thái Bình năm 1997 rồi, nhưng lâu nay có lẽ đã quên, mà quên lần này là hỏng hẳn.

GĐ Công an Hải Phòng, Đỗ Hữu Ca cho rằng việc huy động hàng trăm chiến sĩ lực lượng vũ trang xuống cưỡng chế đầm là một việc làm bình thường, nhưng ngay cả những nhà lãnh đạo, cựu tướng lĩnh quân đội lại cho rằng đó là việc làm tùy tiện. Ý kiến của ông?

Tôi không biết TP Hải Phòng đã chỉ đạo như thế nào. Nhưng từ ý kiến của ông GĐ Công an Hải Phòng đến các ý kiến khác của lãnh đạo của Hải Phòng và Tiên Lãng, tôi thấy nổi lên một điều: nhiều lãnh đạo ở Hải Phòng không phân biệt nổi mâu thuẫn ta – địch với mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân.

Công dân Đoàn Văn Vươn là người lao động chân chính và có công. Nếu Hải Phòng muốn thu hồi đất, nếu đúng pháp luật, thì có nhiều cách làm một cách đàng hoàng chính danh.

Nhưng nhà chức trách ở Hải Phòng lại tổ chức tấn công ông Đoàn Văn Vươn không khác gì một kẻ địch thì sai quá, sai hoàn toàn về nguyên tắc.

Khi thấy ông Đỗ Hữu Ca nói rằng “vụ cưỡng chế là một chiến tích lớn của công an Hải Phòng”, tôi vô cùng sửng sốt, không thể tin nổi đây là ý kiến của một giám đốc công an TP.

Ông Ca dùng các cụm từ “rất là hay”, “rất là đẹp” nói về sự phối hợp tác chiến trong vụ cưỡng chế. Thú thật là tôi không biết bình luận thế nào.

Tôi chỉ nhớ nhà thơ Việt Phương từng kể một mẩu chuyện về Bác Hồ mà ông đề cập đến trong bài Muôn vàn tình thương yêu trùm lên khắp quê hương. Có lần Bác Hồ đã gạch bỏ cụm từ “trận đánh đẹp” trong một văn bản trình lên Bác. Bác nói một trận chiến làm chết nhiều người, dù người ở phía nào chăng nữa, đều không thể gọi là một trận đánh đẹp.

Đấy là đánh nhau với địch, còn đây là quan hệ với dân. Ông Ca còn bảo định viết thành giáo trình nghiệp vụ, thì tôi không hiểu giáo trình ấy viết ra để dạy ai?

Phải thừa nhận quyền sở hữu đất đai của dân

Nhiều ý kiến cho rằng, vụ việc Tiên Lãng một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo cấp thiết về hiện trạng bất cập của Luật Đất đai hiện hành, tạo ra những kẽ hở để chính quyền địa phương tùy tiện diễn dịch luật theo ý muốn chủ quan của mình, gây nên mâu thuẫn tích tụ với người dân, có nguy cơ bùng nổ bất kỳ lúc nào. Từng là Đại biểu Quốc hội nhiều khóa, ông thấy Quốc hội đã nhìn nhận vấn đề này ra sao?

Tôi tham gia 2 khóa Quốc hội. Khóa 11 chính là nhiệm kỳ thông qua Luật Đất đai. Đã có nhiều đại biểu đưa ra những ý kiến rất thẳng thắn về vấn đề sở hữu đất đai. Bản thân tôi từng phát biểu, đề nghị Quốc hội thừa nhận quyền sở hữu đất đai của người dân, ít nhất là theo hạn điền, nhưng đã không được chấp nhận.

Nhìn lại quá khứ, có lúc chúng ta đã xếp những người giàu có, sở hữu nhiều đất đai, nhà xưởng, thuê công nhân làm việc vào loại thành phần “bóc lột” và ép họ đưa tài sản vào công tư hợp doanh.

Đến thời kỳ Đổi Mới, ta thấy đó là sai lầm. Chính những người chủ tư sản ấy đã tạo công ăn việc làm cho người lao động, góp phần quan trọng làm ra của cải xã hội, tạo nên sự phồn vinh của xã hội. Bây giờ ta lại phải khuyến khích những thành phần ấy phát triển. Tốt nhất là không đề ra chính sách sai. Nhưng sai thì phải sửa.

Chính những bất cập về chính sách đất đai trong Hiến pháp và Luật Đất đai đang tạo khe hở cho một bộ phận cán bộ có chức có quyền làm dụng chức vụ kiếm lợi, đẩy người dân vào cảnh khốn khó. Nhưng ta lại chưa kịp thời trừng trị những cán bộ như thế để bảo vệ dân. Đừng để đến một lúc nào đó bức xúc vỡ tung ra, giống như vụ Tiên Lãng thì trở tay không kịp.

Có đồng chí lãnh đạo từng nói nếu cứ kỷ luật hết thì lấy ai làm việc, nhưng hiện giờ rất nhiều người có tâm có tài còn đang chưa được sử dụng đúng vị trí, thậm chí nhiều người còn đang chưa có việc làm. Phải sàng lọc liên tục thì mới chọn ra được người tốt, người giỏi. Còn cứ chạy vào được vị trí nào rồi bám chặt vị trí ấy cho đến lúc … già thì đất nước làm sao chọn được nhân tài mà tiến lên?

Theo dự kiến, Quốc hội sẽ xem xét thông qua Luật Đất đai mới trước năm 2013. Căn nguyên của bất cập luật đất đai, theo nhiều nhà làm luật là quy định “đất đai thuộc sở hữu toàn dân”. Chính quy định mập mờ này đã tạo ra những khe hở pháp lý, dẫn đến tình trạng “đất dân, quyền quan”, chính quyền địa phương muốn thu hồi đất của dân lúc nào cũng được. Nhưng liệu chúng ta đã có đủ ý chí chính trị, và thời điểm đã chín muồi để luật công nhận một cách chính thức quyền sở hữu đất đai của người dân?

Luật pháp quy định đất đai là sở hữu toàn dân, nhưng ‘toàn dân’ là ai, rất chung chung. Cuối cùng từ toàn dân lại thành của riêng một vài người.

Khi thu hồi đất, nhất là đất nông nghiệp, giá đền bù gần như lấy không, chỉ mấy hôm sau giá đất ấy đã lên hàng trăm lần. Mọi thiệt thòi đều do dân gánh chịu.

Chuyện này đã kéo dài quá lâu rồi, nhưng đến nay chúng ta vẫn chưa đưa ra được những giải pháp thực sự hợp lý cho chính sách đất đai. Nếu bây giờ không có sự đổi mới tư duy, ta sẽ mãi không giải quyết được vấn đề.

Ta nên đặt câu hỏi, tại sao nhiều nước khác thừa nhận quyền sở hữu đất đai nhưng họ không lo mất đất, mất quyền làm chủ hay mất nhân dân. Họ thừa nhận được, tại sao mình lại không?

Tôi nghĩ đây chính là lúc chúng ta nên bàn thảo nghiêm túc, nghiên cứu những giải pháp đền bù hợp lý cho đất đai, và thừa nhận quyền sở hữu đất đai của dân.

Xin cảm ơn ông!

 


Bình luận về bài viết này

Chuyên mục