Đăng bởi: ngothebinh | Tháng Tám 12, 2014

20140812. NHỮNG ĐIỀU”KHÔNG GIỐNG AI” Ở VIỆT NAM

ĐIỂM BÁO MẠNG

NHỮNG  ĐIỀU “KHÔNG GIỐNG AI” Ở VIỆT NAM

Bài của TRUNG NGÔN trên Quechoa 12/8/2014

 
 
 
 
Không chỉ ở cách tính GDP, chúng ta cần phải thay đổi tư duy trong nhiều lĩnh vực khác nhằm đạt tiêu chuẩn quốc tế, chứ không thể mãi đi theo những cách làm… chẳng giống ai.
 
Cách tính GDP không giống ai…
 
Tại hội nghị toàn ngành Kế hoạch và đầu tư ngày 7/8 tại Đà Nẵng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói: “Cách tính GDP ở các địa phương hiện nay không sát thực tế và so với quốc tế, không giống ai”. Câu nói khiến cả hội nghị râm ran tiếng cười như một cách thể hiện sự  đồng tình, thừa nhận của số đông lãnh đạo nhiều địa phương về cách tính GDP không hợp lý, không theo chuẩn mực quốc tế ở hầu hết các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
 
Điều này đã được các chuyên gia kinh tế cảnh báo và lần đầu tiên người đứng đầu Chính phủ nêu và yêu cầu cụ thể các địa phương phải có cách tính lại GDP cho sát với thực tế, theo chuẩn mực quốc tế, với sự hướng dẫn của Tổng cục Thống kê.
 
Và theo thông lệ, sau hội nghị, một  thông báo, văn bản cụ thể của Văn phòng Chính phủ truyền đạt ý kiến của Thủ tướng về nội dung trên sẽ là thành chỉ đạo chính thức, buộc các địa phương chấm dứt cách tính GDP “chẳng giống ai” như lâu nay vẫn làm.
 
Cách làm “không giống ai” đó đã được nhận biết do việc tính sai, tính trùng các số liệu… để lấy thành tích ở các địa phương. Và hậu quả của nó có thể dẫn tới những định hướng phát triển Kinh tế – Xã hội sai lệch như Bộ trưởng Kế hoạch và đầu tư Bùi Quang Vinh đã phân tích.
 
Cho nên, từ lâu, các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB), Tổ chức Tiền tệ quốc tế (IMF)… đã không dựa vào số liệu GDP của VN, mà thường tính toán theo chuẩn mực đã được thế giới công nhận. Và các chỉ số GDP do WB, IMF tính toán, thường thấp hơn chỉ số GDP mà Việt Nam công bố.
Hệ lụy của cách tính “không giống ai” đó đến nay vẫn hiển hiện trên nhiều mặt: các địa phương vẫn đua nhau xin, tăng đầu tư công để đạt GDP cao. Và đó là một trong các nguyên nhân dẫn đến lãng phí, hiệu quả đầu tư thấp, làm tăng bội chi, nợ công… Tài nguyên đất đai, khoáng sản bị khai thác quá mức.
 
…và không chỉ GDP
 
Nhưng không chỉ có chỉ số GDP mà trên nhiều lĩnh vực kinh tế, khoa học, giáo dục khác ở VN cũng còn rất nhiều cách tính, cách làm “không giống ai” như vậy.
 
Trong ngành tài chính, lãnh đạo Bộ này vừa qua cũng đã thừa nhận có nhiều thủ tục, quy định về thuế, hải quan, bảo hiểm không đúng chuẩn mực quốc tế dẫn đến kéo dài thời gian nộp thuế của doanh nghiệp đến mức kỷ lục: 872 giờ nộp thuế/năm – một yếu tố kéo lùi  đến gần chót bảng về thứ bậc xếp hạng môi trường cạnh tranh của VN.
 
Kiểm toán Nhà nước cũng đã thừa nhận, có những chuẩn mực kiểm toán của VN chưa đạt chuẩn mực quốc tế. Trong lĩnh vực đào tạo, cách thức đào tạo, cấp bằng tiến sĩ… của VN cũng chưa được công nhận đạt tiêu chuẩn quốc tế…
 
Tất cả những cách làm “khác người”, không đạt tiêu chuẩn, thông lệ quốc tế như vậy vẫn đang khiến không ít lĩnh vực ở Việt Nam bị tụt hậu, kém xa trình độ phát triển của nhiều nước. Đành rằng, mỗi nước cũng có những đặc thù, có những cách làm khác nhau để thúc đẩy, phát triển kinh tế-xã hội nhưng phải là những cách làm hay, khoa học để đạt được những tiến bộ mới. Còn những cách làm “không giống ai” ở VN, như cách tính GDP hiện nay của các địa phương là những cách làm không đúng, làm sai, làm trái để lấy thành tích… là những cách làm kéo lùi sự phát triển.
 
Mong rằng, qua phát biểu của Thủ tướng, một chỉ thị, văn bản pháp quy buộc việc tính GDP từ nay phải theo thông lệ quốc tế và  đây là bắt đầu một bước ngoặt cho tiếp cận về tăng trưởng ở Việt Nam, từ bỏ những giả tạo, trở về với những số liệu có căn cứ, chuyển sang những thước đo thực tế và chính sách phát triển có hiệu quả hơn.
 
Và không chỉ ở cách tính GDP, những việc như phong tặng giáo sư, tiến sĩ, trong việc đào tạo, giáo dục, trong xây dựng, trong các tiêu chí về kế toán, kiểm toán… cũng phải nâng cao, để đạt tiêu chuẩn quốc tế, chứ không thể mãi đi theo những cách làm… chẳng giống ai.
 
 
ĐẠI HỌC VIỆT NAM KHÔNG GIỐNG AI
 
Bài của GS NGUỄN VĂN TUẤN trên Quechoa 13/8/2014
 
 
Tôi có một ước vọng nho nhỏ: đó là sưu tầm và hệ thống hoá những qui định lạ lùng, nhưng câu chuyện “không giống ai” trong vài đại học ở VN. Có thể chỉ là những chuyện nhỏ, nhưng ý nghĩa thì không nhỏ chút nào, vì nó liên quan đến cái mộng đại học đẳng cấp quốc tế của VN.

Qui định về thời gian đào tạo tiến sĩ. Trước đây tôi đã bày tỏ ngạc nhiên về qui trình và thời gian đào tạo tiến sĩ ở một vài đại học trong nước. Ở một trường đại học có tiếng tại Sài Gòn, người ta qui định rằng thời gian đào tạo tiến sĩ là 4 năm nếu nghiên cứu sinh (NCS) có bằng tốt nghiệp đại học. Điều còn ngạc nhiên hơn là nếu NCS đã có bằng thạc sĩ [tức master] thì thời gian học chỉ … 2 năm.

Tôi không rõ có đại học nghiêm túc nào trên thế giới mà đào tạo tiến sĩ chỉ 2 năm. Ở UNSW (tôi chỉ nói khoa y), thời gian đào tạo trung bình là 4 năm, nhưng thường lấn sang năm thứ 5. Có người tốn cả 6 năm mới xong chương trình học. Đối với nhiều trường, thời gian không phải là qui định chính, mà công trình nghiên cứu được công bố quốc tế mới là qui định chính. Ở các nước Bắc Âu, luận án tiến sĩ là tập hợp 3-4 công trình đã công bố trên các tập san quốc tế. Do đó, NCS có thể tốn cả 7 hay 8 năm để “trả nợ” mới được bảo vệ luận án.

Qui định về công bố và luận án tiến sĩ. Cũng đại học nọ ở Sài Gòn có qui định rất lạ lùng. Đó là qui định rằng NCS không được công bố bài báo khoa học trước khi bảo vệ luận án. Đây là một qui định “ngược đời”. Ngược đời ngay cả đối với các đại học VN. Như đề cập trên, các đại học phương Tây người ta qui định NCS phải công bố bài báo khoa học trên các tập san quốc tế trước khi bảo vệ luận án; nếu không công bố kịp trên tập san thì cũng công bố trong các hội nghị chuyên ngành có uy tín. Đâu có ai lại qui định ngược đời như đại học đó.

Qui định về dự hội nghị nước ngoài. Đại học T kia cũng ở Sài Gòn có qui định cho nhân viên (bất kể giảng viên hay nhân viên hành chính) rằng mỗi năm chỉ được đi nước ngoài 2 lần, bất kể được mời hay tự nguyện. Tôi ngạc nhiên vì nếu ban tổ chức mời nói chuyện và trả tiền vé máy bay và tiền ăn ở, nhưng với qui định này đương sự đành phải từ chối.

Tôi chưa bao giờ thấy một qui định nào lạ lùng và phản học thuật đến như thế. Nếu nhà khoa học hay giảng viên có tiếng thì việc được mời giảng ở nước ngoài xảy ra thường xuyên. Người ta khuyến khích đương sự đi dự vì đó là một VINH Dự cho trường (và cho cá nhân đương sự), đâu có ai điên rồ đến nỗi cấm đoán không cho đi?! Có lẽ ở VN người ra qui định không biết luật chơi khoa học nên đề ra những qui định rất phản học thuật như thế.

Ấn phí. Công bố nghiên cứu trên các tập san quốc tế có khi phải trả tiền ấn phí. Số tiền này có thể từ 400 đến 1000 USD, tuỳ số trang và tuỳ vào tập san. Nhiều trường đại học ở VN ý thức được tầm quan trọng của công bố quốc tế, nên họ khuyến khích giảng viên và nhà khoa học công bố nghiên cứu trên các tập san quốc tế danh giá. Họ sẵn sàng trả tiền ấn phí. Nhưng cũng có những đại học lớn và tầm quốc gia thì chẳng những không khuyến khích công bố quốc tế, mà nếu giảng viên có công bố thì đại học cũng không trả tiền ấn phí.

Những đại học này lí giải rằng việc công bố là đem lại lợi ích cho cá nhân của giảng viên, chứ chẳng liên quan gì đến trường, nên họ không có lí do gì phải trả tiền ấn phí hay khuyến khích giảng viên phải công bố quốc tế. Đó là một tầm nhìn sai lầm và thiển cận, có phần đố kị. Ở nước ngoài, khi giảng viên có bài trên các tập san tốt (có impact factor cao) người ta tổ chức ăn mừng và cho cá nhân tác giả tiền thưởng hàng ngàn USD. Ở Tàu, các đại học có ngân sách khuyến khích công bố quốc tế bằng cách thưởng tiền, và số tiền thưởng tuỳ theo impact factor của tạp chí. Vậy mà có đại học ở VN thiển cận đến nổi xem công bố quốc tế là chuyện cá nhân của giảng viên!

Hệ số lương giảng viên không bằng bí thư chi đoàn. Hôm qua, một bạn đọc cho xem hệ số lương của một trường đại học bách khoa (và cũng có thể là qui định chung cho cả nước?) tôi hơi sốc. Theo qui định này, hiệu trưởng có hệ số lương 15, cao nhất trong trường. Phó hiệu trưởng có hệ số lương 10, cao hơn trưởng khoa (7-8). Nhưng cái sốc là trường cũng phải trả lương cho cán bộ đảng và đoàn! Hệ số lương của bí thư đảng uỷ là 12, tức cao hơn cả phó hiệu trưởng! Bí thư đoàn thanh niên có hệ số lương 6, cao hơn phó khoa (với hệ số 5).

Qui định này nói lên rằng một cá nhân chẳng cần học hành gì cho tốn công sức, chỉ cần phấn đấu làm bí thư đảng uỷ là cũng có lương cao. Trẻ hơn thì chỉ cần nắm được cái chức bí thư đoàn thì cũng hơn phó khoa. Qui định này, một cách hùng hồn, xem thường giới học thuật và giảng viên của trường. Giảng viên, trưởng/phó khoa là cái rường cột của trường đại học mà được đối xử như thế thì thử hỏi ai muốn phấn đấu học hành lên PhD làm gì.

***

Như tôi nói lúc ban đầu, những qui định và câu chuyện này nhìn bề mặt thì nó nhỏ hay rất nhỏ, nhưng nó là sản phẩm của những tư duy lỗi thời, bao cấp, độc quyền. Nó chứng minh rằng cái tư duy độc quyền đó vẫn còn ngự trị trong đầu một số người có quyền trong các đại học. Có hiệu trưởng còn phàn nàn rằng tại sao ban tổ chức hội nghị không gửi thư mời cho hiệu trưởng để họ phân công cán bộ đi dự, mà lại gửi cho cá nhân giáo sư. Đúng là tư duy độc quyền và độc tài còn sót lại thời bao cấp, và chẳng biết gì về luật chơi khoa học quốc tế.

Thử hỏi trên thế giới có ai lại cấm không có giáo sư đi nước ngoài hơn 2 lần? Ở trường tôi, những giáo sư nổi tiếng được các hội nghị mời, các trường khác mời, và họ đi nước ngoài như “đi chợ”. Họ là bộ mặt của trường, sự có mặt của họ trong các hội nghị, trên bục giảng là vinh dự của trường, là một quảng bá tuyệt vời cho trường. Người ta có thể không nhớ ông giáo sư Smith, nhưng người ta nhớ tên trường. Ấy thế mà có những đại học VN không nhận ra điều này và ra những qui định chẳng giống ai.

Những câu chuyện và qui định trên đây chắc chắn chưa đầy đủ, nhưng nó nói lên những bất cập một cách nghiêm trọng trong tư duy của một số người giới lãnh đạo đại học. Việt Nam muốn các đại học hội nhập quốc tế, tức là theo “luật chơi”, hay ít ra là phải am hiểu những qui ước và qui định của các đại học nước ngoài. Việt Nam cũng có ý nguyện muốn có một vài đại học thuộc vào nhóm “đẳng cấp quốc tế”, hiểu theo nghĩa có tên trong các danh sách đại học hàng đầu thế giới. Nghiên cứu khoa học là tiêu chuẩn số 1 để đại học VN có thể có tên trong các đại học hàng đầu thế giới. Nhưng hiện nay, đã ở thế kỉ 21 này, mà vẫn còn có những đại học có những qui định rất ư là phản học thuật, những tầm nhìn rất ư là cục bộ và chẳng có gì là đại cục quốc gia hay tầm nhìn thế giới. Nhiều người thích nói chuyện lớn “đẳng cấp quốc tế”, nhưng những chuyện nhỏ như thế này cho thấy với tư duy và tầm nhìn này, các đại học VN sẽ khó hội nhập quốc tế, và đừng mơ mộng đến “đẳng cấp quốc tế”.

 
 
NGƯỜI VIỆT VÀ NGƯỜI ĐỨC
 
Bài của PHẠM THỊ HOÀI trên Quechoa 14/8/2014
 
Quê hương thứ hai của tôi khác hẳn quê hương thứ nhất. Khí hậu, thể chế chính trị, tổ chức xã hội, ngôn ngữ và văn hóa, đời sống hàng ngày, phong tục tập quán và tính cách con người, cây, nước, không khí và bầu trời… Cả chó, mèo, vịt, chim bồ câu và vi khuẩn cũng khác.
 Chỉ có dân số, diện tích [1] và vài chục năm trong lịch sử cận hiện đại là tương đối gần nhau. Tôi thuộc phe không tin rằng bộ gene sinh học góp phần quyết định số phận của một dân tộc [2], vậy mà nhiều khi phải phân vân: Người Việt và người Đức dường như được hai tạo hóa nhào nặn bằng hai chất liệu không thể khác nhau hơn.
 
Chẳng hạn: tạo hóa của người Việt cho họ năng khiếu hạnh phúc ở kích thước khiêm tốn. Tạo hóa của người Đức cho họ biệt tài than vãn ở tầm cao. Ta hãy lấy một ví dụ.
 
Trong báo cáo về Chỉ số Nhận thức Tham nhũng năm ngoái của Tổ chức Minh bạch Quốc tế, Việt Nam đạt 31 điểm, dưới trung bình gần 20 điểm, xếp thứ 116/177; Đức đạt 78 điểm, trên trung bình gần 30 điểm, xếp thứ 12 [3].
 
Lẽ ra có thể nhìn sang Nhật (xếp thứ 18), Mỹ (xếp thứ 19), Pháp (xếp thứ 22) hay Ý (xếp thứ 69) để tự an ủi thì người Đức lại bất mãn khủng khiếp về vị trí chỉ đứng thứ 12 của mình. Và nguyên nhân khiến họ không lọt Top Ten những nước trong sạch nhất đã được chỉ ra rành rọt: cho đến nay Công ước Phòng chống Tham nhũng của Liên Hiệp Quốc mà Đức kí từ năm 2003 chưa được phê chuẩn. Lí do chính nằm ở thủ tục điều chỉnh Bộ Luật Hình sự để phù hợp với Công ước này, trong đó điểm kẹt lại nằm trớ trêu ở điều 108e về tội hối lộ dân biểu. Nhưng ở đất nước làm cái gì cũng phải lên lịch từ thế kỉ trước này, điều chỉnh Luật Hình sự cần không dưới 5 năm [4]. Vậy là người Đức có thêm 5 năm để than vãn. Cách đây không lâu Tổng thống của họ phải từ chức, xuất phát từ vụ vay tiền – vâng, vay chứ không phải cướp, vay trả dần, cộng cả lãi suất – của vợ một doanh nhân để mua nhà. Một vị từng là ứng cử viên cho chức Thủ tướng thì đi diễn thuyết cho các doanh nghiệp, với tổng thù lao lên đến gần một triệu Euro một năm [5]. Cả hai đều không chính thức phạm luật, song vẫn bốc mùi. Cứ thế này, dân Đức than thở,  họ sẽ thành một nước “cộng hòa chuối”.
 
Người Việt dĩ nhiên cũng than thở và hơn cả than thở, họ bức xúc. Họ phẫn nộ và cương quyết. Họ có một điều luật cho phép xử tử hình kẻ nào tham ô từ 500 triệu tiền Cụ Hồ – tức 25.000 dollar – trở lên. Ở Đức, hối lộ cộng tham ô cộng trốn thuế 44 triệu dollar nặng nhất cũng chỉ xứng đáng 8 năm 6 tháng tù, như trường hợp ông xếp ngân hàng Gribkowsky trong vụ bê bối mua bán bản quyền truyền hình giải đua xe F1. Song hành trình với tham nhũng của người Việt không phải là đường một chiều. Nó giống một bùng binh hơn. Ở đó mọi người cùng chen lấn, giành giật và chửi rủa để nhích lên từng centimet, cùng hành hạ nhau và mang ơn nhau, cùng thay phiên trong các vai nạn nhân, ân nhân và thủ phạm. Cảnh tượng dĩ nhiên là đáng ngao ngán, tốc độ thảm hại, diện mạo con người méo mó, chân dung môi trường tàn khốc, nhưng một lúc nào đó, với xe để ở cần số 1 và lí trí để ở cần số 0, tất cả cũng ra khỏi bùng binh, cùng tràn đầy sung sướng, trước khi dấn thân vào bùng binh kế tiếp.
*
Một ví dụ khác:
 
Ngày 5/8/2014, một chiếc xe bus chở 48 người bị mất thắng ở Lâm Đồng, đâm vào vách núi, khiến 3 người thiệt mạng. Song 45 người bị thương còn lại, từ chấn thương phần mềm đến chấn thương cột sống, từ gãy xương chân tay đến vỡ xương chậu, nhưng thoát chết, vẫn đầy lòng biết ơn số phận và cảm ơn người tài xế đã dũng cảm hi sinh, bằng cách thà lao xe vào vách đá để chết ít còn hơn lao xe xuống vực mà chết tuốt. Phó Thủ tướng kiêm Chủ tịch Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia lập tức viết thư chia buồn với gia đình người tài xế và biểu dương hành động anh hùng của ông. Hàng trăm độc giả bày tỏ lòng xúc động, cảm phục, ngưỡng mộ, coi đó là tấm gương đạo đức cao cả và lương tâm nghề nghiệp sáng chói, nhiều người đề nghị nhà nước truy tặng ông huân chương dũng cảm và danh hiệu liệt sĩ, nhiều người lấy đó để tự hào rằng Việt Nam luôn sinh ra những anh hùng.
 
Mùa Đông 2010, tại Sölden, một chiếc xe bus trên đường chở khách đi trượt tuyết từ Áo về Đức cũng mất thắng, tài xế cũng tìm mọi cách tránh lao xe xuống vực, cuối cùng cũng chấp nhận đâm vào một cọc bê tông và rơi xuống một đường trượt băng, khiến một người chết và 36 người còn lại bị thương. Tài xế bị thương nặng. Ông được coi là một người dày dạn kinh nghiệm, đã đào tạo 150 tài xế xe bus và theo các nhân chứng, đã phản ứng rất nhanh và chuyên nghiệp khi sự việc xảy ra, nếu không có thể chẳng ai sống sót. Song thay vì được cảm ơn chứ chưa nói đến chuyện anh hùng, ông bị truy tố với tội danh sơ ý làm chết người và sơ ý gây thương tích cơ thể. Ngoài Viện Công tố, gia đình của người bị thiệt mạng và những người bị thương hôm đó đồng tham gia tố tụng. Ông bị tòa kết án. Lí do:  là tài xế, ông phải biết rằng chạy đường trơn, lại ở đồi núi, hệ thống phanh thường bị sử dụng quá giới hạn, cần cho xe nghỉ đầy đủ để phanh hạ nhiệt và hoạt động hiệu quả trở lại. Tai nạn lẽ ra có thể tránh được và ông phải chịu trách nhiệm vì đã để nó xảy ra.
 
Cùng một hành vi, người Việt coi là anh hùng cao cả, đáng tuyên dương; người Đức kết án. Người Việt biết ơn vì chết ít thay vì chết cả nút. Người Đức phẫn nộ, vì cái chết nào không đáng cũng là quá nhiều. Nếu không phải là con người lấy chính mình làm khuôn mẫu tạo ra Thượng đế mà ngược lại, thì Thượng đế của người Việt thật dễ tính, Thượng đế của người Đức khó khăn trăm bề.
Tôi thích ông khó tính hơn. Ngồi trên một chiếc xe bus ở Đức, tôi yên tâm rằng mình không trả tiền mua vé để được sống sót, chỉ vì bác tài xế dũng cảm sẽ hi sinh.
 

[1] Việt Nam: 91 triệu người, 331.000 km2; Đức: 81 triệu, 357.000 km2

[2] Đề tài này gần đây lại bùng nổ, xung quanh cuốn A Troublesome Inheritance (Một di sản phiền hà) mới xuất bản của nhà báo Nicholas Wade.

[3] Khoảng cách này lặp lại ở một số chỉ số quan trọng khác. Thu nhập bình quân đầu người (theo Ngân hàng Thế giới): Việt Nam xếp hạng 130, Đức: 18. Chỉ số Dân chủ (Theo tạp chí The Economist): Việt Nam xếp hạng 143, Đức: 14. Tự do Báo chí (Theo tổ chức Phóng viên Không Biên giới): Việt Nam 172, Đức: 16.

[4] Để tham khảo: Người Tầu cần 46 tuần để hoàn thành sân bay Bạch Vân ở Quảng Châu cho 41 triệu lượt khách mỗi năm. Người Đức xây từ 8 năm qua chưa xong sân bay mới, mang tên Willy Brandt ở Berlin cho 27 triệu lượt khách.

[5] So với cựu Ngoại trưởng và ứng cử viên Tổng thống Hoa Kỳ sắp tới, bà Hillary Clinton, thì mức thù lao đó còn quá khiêm tốn. Tháng 10/2013 bà diễn thuyết 45 phút tại Đại học Buffalo New York với giá 275.000 dollar, 90 phút tháng 3/2014 tại Đại học California Los Angeles (UCLA) với giá 300.000 dollar. Buổi diễn thuyết dự định vào tháng 10 năm nay của bà ở Đại học Nevada Las Vegas sẽ được trả 225.000 dollar. Theo Washington Post thì chồng bà, cựu Tổng thống Bill Clinton, thu 104,9 triệu dollar cho tổng cộng 542 bài diễn thuyết từ khi hết nhiệm kì 2001 đến 2013, trung bình mỗi bài xấp xỉ 200.000 dollar.
 
NGÀI BILL CLINTON VÀ ĐỒNG CHÍ NÔNG ĐỨC MẠNH
 
Bài của NGUYỄN HOA LƯ trên Quechoa 13/8/2014
 
 
 
1. Đây là lần thứ tư cựu tổng thống Hoa Kì đến thăm Việt Nam. Những người dân Đại Việt vốn sẵn tính hiếu khách càng nhiệt thành đón tiếp ngài. Sự hồ hởi, thân thiện của người dân toát ra từ ánh mắt, nụ cười và những cái vẫy tay rối rít.
 
Nhìn ngài Bill Cliton không hiểu sao tôi cứ miên man nghĩ về cựu tổng bí thư Nông Đức Mạnh. Họ là những đại chính khách nhưng để câu chuyện tăng phần thân mật, tôi xin phép gọi khách là ngài Bill và chủ là bác Tổng.
Có quá nhiều những nét chung giữa hai đại chính khách này.
Trước hết, họ là những kẻ tột cùng của quyền lực, mỗi bên “hùng cứ một phương”. Ngài Bill làm tổng thống xứ Huê Kì trong hai nhiệm kì và cách đó nửa vòng trái đất, bác Tổng cũng ngồi ở vị trí cao chót vót.
 
Họ đều có dáng đi thanh thoát, có nụ cười rạng rỡ, cách cư xử vô cùng thân thiện. Trong dân gian, các nhà tình dục học nông dân thì hai vị này đều là những người đàn ông có hàm răng chắc, rất chắc!
Họ đều là những nhà hùng biện bẩm sinh. Thế giới rất không công bằng khi bên nặng bên khinh khi chỉ ca ngợi những bài diễn văn của ngài Bill. Ở Việt Nam vẫn truyền tụng câu thơ Kiều mà ngài Bill cao hứng ngâm lên khi nói chuyện với sinh viên Hà Nội. Họ quên bác Tổng nhà mình với những đoạn cao trào thường được bổ trợ bằng việc dơ tay chém một đường trong không khí. Nhát chém đầy uy lực khiến các cao thủ trong võ lâm cũng giật mình xanh mặt.
 
Như tôi nói ở trên, cái chung ở họ: dáng đi thanh thoát như những chàng rể bước vào phòng tân hôn, gương mặt sáng , mắt có đuôi dài, nụ cười rạng rỡ, hàm răng trắng rất chắc, họ đích thị là những kẻ “sát gái” hạng nhất. Cái sự đào hoa của ngài Bill với cô thư kí mũm mỉm đã tốnkhông biết bao nhiêu giấy mực của xứ Hoa Kì rỗi hơi nhiều chuyện. Nó khiến ghế ngồi của ngài lung lay, đến mức ngài phải đứng trước tivi mà đọc bản “tự kiểm điểm” về cái tật trăng hoa của mình. Bác Tổng thì cái sự đào hoa ấy chỉ đến khi đã về vườn và lâm vào cảnh côi cút gà trống nuôi con. Vậy mà dân gian và các tờ báo thù địch cũng thừa dịp mà cười cợt khen chê rôm rả.
 
Có những sự khác nhau giữa họ nhưng thực ra là để tôn lên cái giống nhau. Đó là mái tóc bồng bềnh như sóng trông rất lãng tử của ngài Bill đối lập mái tóc xanh mướt, bóng mượt của bác Tổng. Cả hai đều cực kì quến rũ với phái đẹp. Trong mắt họ, hai vị ấy đều là những người đàn ông đích thực!
 
2. Cặp song sinh ấy có sự khác nhau về bản chất. Ấy là cái sự long đong vất vả của ngài Bill và sự an nhàn ẩn dật của bác Tổng. Sự khác nhau đại diện cho hai nền văn minh Đông và Tây!
 
Vừa rời nhà Trắng, ngài Bill chạy ngược chạy xuôi, nào diễn thuyết, nào vận động, nào quảng bá để góp nhóp từng xu nhỏ để lập quỹ này quỹ nọ rồi lại tất tả đi khắp thế giới để phân phát cho thiên hạ. Cái số ngài Bill xem vậy mà khổ. Cứ quanh năm ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng khiến cho Bill phu nhân phải kêu trời về sự nghèo khó đến mức phá sản của gia đình. Số ngài Bill là vậy vì ngài Bill sinh vào ngày 19 tháng 8, một ngày quan trọng của người Cộng sản.
 
Bác Tổng, trong hồ sơ ghi rõ là sinh ngày 11 tháng 9, ngày thảm họa của nước Mỹ! Bác Tổng rời ghế, nhà nước trợ cấp cho một cái biệt thự để hàng ngày ngối ngắm sóng hồ Tây, sống đời triết nhân ẩn dật. Thỉnh thoảng công chúng lại thấy bác í vận bộ comple rất chi là “à la mode”, xuất hiện trong vài hội nghị hay lễ khởi công hay khánh thành nào đó. Không phát biểu nhưng chắc bác í nhận phong bì. Phong bì để bác í sống với những con sóng hồ Tây.
 
3. Dân gian vốn độc miệng. Họ nói bác Tổng là tác giả của lời danh ngôn “trồng cây gì nuôi con gì, các đồng chí nghĩ đi”. Các đồ đệ của bác Tổng luôn lấy câu đó làm kim chỉ nam cho các cuộc đi cơ sở thị sát. Đám trí thức nửa mùa và dở hơi lấy đó làm món nộm trong các cuộc bia hơi vỉa hè và ồn ào đưa ra lời giải: trồng cây thuốc phiện, nuôi con cave!
 
Miệng thế nhân gian cay độc đến thế là cùng. Nhưng có hề chi. Với các bậc chí tôn thì những lời vo ve kiểu đó không làm các ngài bận tâm. Nếu suốt ngày ngồi thanh minh thanh nga với những sự vo vẻ kiểu đó thì còn tâm trí đâu cho đại cuộc!
 
Có chuyện này, tôi tận mắt chứng kiến qua chương trình tivi. Ấy là lần bác Tổng về thăm một thành phố ven biển miền Trung, tạm gọi là Đà Nẵng. Trước các quan chức địa phương, Bác Tổng hiên ngang, tay chém vào không khí theo một dáng vẻ đầy nội lực quen thuộc. Bác nói: Hải Phòng là thành phố biển. Đà Nẵng là thành phố biển nhưng Đà Nẵng không phải là Hải Phòng. Những thành tựu của Hải Phòng là rất đáng mừng. Đà Nẵng thì sao đây?
 
Trong đời tôi, chưa từng nghe được phát ngôn nào hội tụ đủ tinh hoa của triết học, giáo dục, chính trị như những lời trên của bác Tổng!
 
Xuất thân từ nghề trồng rừng mà bác Tổng có tố chất của một nhà sư phạm xuất chúng. Lý thuyết dạy học nói rõ rằng một ông thầy tầm thường thì chỉ biết giải thích và áp đặt kiến thức cho học sinh. Ngược lại, các bậc cao thủ của nghề giáo trong dạy học luôn gợi mở, khích lệ để tạo cảm hứng cho người học.
 
Nếu bác Tổng không thể cầm tay chỉ việc như một nhà giáo tồi! Nếu vậy thiên hạ sẽ kêu la rầm trời về sự áp đặt, gia trưởng, thậm chí họ sẽ lên án về sự độc tài. Nếu vậy thì oan cho bác Tổng quá.
 
4. Tóm lại, chỉ riêng đóng góp “trồng cây gì nuôi con gì” vào kho tàng lí luận của nhân loại cũng đủ để bác Tổng hơn hẳn ngài Bill một cái đầu! Vậy nên trong khi ngài Bill cứ gọi là chạy long tóc gáy thì bác Tổng ngồi yên ngắm sóng. Nếu bác í cao hứng lên rồi  làm thơ nữa thì đó thực là phúc lớn cho hậu thế vậy!
 

Bình luận về bài viết này

Chuyên mục