Đăng bởi: ngothebinh | Tháng Chín 16, 2014

20140916. BẢO VỆ CHỦ NGHĨA MÁC-LÊ NIN

ĐIỂM BÁO MẠNG

Niềm tin của một dân tộc không thể là sự “ảo tưởng”

Bài của PGS TS NGUYỄN MẠNH HƯỞNG trên QĐND 15/9/2014

QĐND – 1. Hơn hai mươi năm qua và cho đến bây giờ, sự sụp đổ chủ nghĩa xã hội (CNXH) ở Liên Xô và Đông Âu vẫn như là một cái “cớ” không thể tốt hơn để các thế lực thù địch lợi dụng xuyên tạc, công kích và phủ định chủ nghĩa Mác – Lê-nin. Và có vẻ như chúng ngày càng như tìm thấy trong đó những “lý lẽ” có sức “thuyết phục” để xuyên tạc, phủ nhận chủ nghĩa Mác – Lê-nin. Chúng cố tình xuyên tạc: Đó là sự “sụp đổ”, sự “kết thúc” của một học thuyết “lỗi lầm và lạc hậu”; rằng “Chủ nghĩa xã hội mà Mác nêu ra chỉ là một lý tưởng, một chủ nghĩa xã hội “không tưởng”, không bao giờ thực hiện được”[1]. Thời gian gần đây, những luận điệu trên lại được một số người nhân danh “cấp tiến”, mượn danh “vì sự phát triển của dân tộc” tiếp tục rêu rao thêm. Theo họ, cái gọi là CNXH khoa học chỉ là một học thuyết “viển vông”, “ảo tưởng”. Họ cho rằng, Việt Nam đang bế tắc không chỉ về kinh tế, mà còn về tinh thần; rằng không ai còn tin vào chủ nghĩa Mác nữa; rằng con đường XHCN mà nhân dân ta đang đi là “trái với quá trình lịch sử – tự nhiên”, rồi họ “khuyên nhủ” chúng ta cần phải đi theo con đường khác, “chủ thuyết phát triển” khác.

 

 Mác. Ảnh tư liệu.

Những luận điệu chống phá tinh vi và thâm độc trên được phát tán trên các phương tiện truyền thông, đặc biệt là mạng in-tơ-nét và được lặp đi, lặp lại nhiều lần, tấn công vào mọi đối tượng. Sự tấn công này rất nguy hiểm, nó dễ làm cho một số người, nhất là thế hệ trẻ lầm tưởng rằng những người đó cũng “khách quan, khoa học” khi đánh giá chủ nghĩa Mác – Lê-nin. Thế nhưng nghĩ cho kỹ thì thấy rằng, mục đích của họ là rất rõ ràng. Họ cho rằng, làm những điều đó nếu chưa thể xóa bỏ được chủ nghĩa Mác – Lê-nin, thì cũng có thể gây nên sự hoài nghi, dao động trong một bộ phận cán bộ và nhân dân ta. Đồng thời cũng có thể làm nhiễu loạn tư tưởng xã hội, dễ bề cho sự thâm nhập của các loại tư tưởng phi vô sản.

Hiện nay, những ngón đòn chống phá trên lại càng trở nên nguy hiểm khi gắn với việc công kích trực tiếp vào sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của Nhà nước. Họ lợi dụng những hạn chế, thiếu sót của Đảng, Nhà nước ta để gieo rắc sự bất bình và kích động nhân dân. Cần phải khẳng định rằng, Chủ nghĩa Mác – Lê-nin không phải là một học thuyết phi thực tế, “ảo tưởng”, “viển vông” như họ cố tình xuyên tạc, bóp méo. Thực tế tồn tại, phát triển và những thành tựu to lớn, những công lao vĩ đại của chế độ xã hội được xây dựng trên nền tảng chủ nghĩa Mác – Lê-nin đối với loài người tiến bộ trên thế giới trong gần một thế kỷ qua, đã chứng tỏ lý tưởng XHCN là lý tưởng phù hợp với quy luật vận động khách quan của lịch sử. CNXH là giá trị nhân văn cao cả của nhân loại. Chắc họ cũng đã rõ, chính Liên Xô – đất nước của Cách mạng Tháng Mười, đã cùng với các lực lượng hòa bình, tiến bộ, là lực lượng quyết định tiêu diệt chủ nghĩa phát xít. Chính Liên Xô và hệ thống XHCN là trụ cột của hòa bình và cách mạng, làm nguội đi những cái đầu hiếu chiến của các thế lực đế quốc, bảo đảm nền hòa bình của thế giới trong nửa cuối thế kỷ XX. Thành tựu và công lao của CNXH từ năm 1917 đến nay đối với nhân loại rất vĩ đại, khẳng định những giá trị tốt đẹp của CNXH hiện thực và tính ưu việt, tiên tiến của nó trong sự phát triển của lịch sử nhân loại. Điều đó không ai có thể bác bỏ, phủ định được. Những người khuyên chúng ta “chuyển sang hướng tư bản chủ nghĩa” cần thấy rằng, trong bối cảnh mới cho dù CNTB hiện đại có những biến đổi và phát triển nh­ư thế nào chăng nữa, như­ng bản chất bóc lột, phản động của nó vẫn không thay đổi. Không những thế, sự bóc lột và bản chất phản động của nó đang đ­ược CNTB ra sức mở rộng đến các quốc gia, dân tộc khác bằng hình thức nô dịch và chủ nghĩa cư­ờng quyền mới về chính trị, kinh tế và cả quân sự. Những bất công, nghèo khổ vẫn đầy rẫy trong lòng xã hội tư bản hiện đại. Theo Cục Điều tra Dân số Mỹ năm 2010, ở Mỹ có tới 46,2 triệu người (chiếm 15,2% dân số) thuộc diện nghèo, mức cao nhất trong 20 năm qua[2]. Theo Hãng Bloomberg, tài sản của 300 người giàu nhất thế giới năm 2013 đã tăng 524 tỷ USD, nâng tổng giá trị tài sản của họ lên 3.700 tỷ USD. Ở Mỹ, số người nghèo đói và không bảo hiểm y tế là hơn 38,8 triệu người; ở I-ta-li-a, giai đoạn 2005-2012, tỷ lệ người nghèo tăng gấp đôi và hiện có khoảng 4,8 triệu người nghèo đói. Tổ chức Oxfam cảnh báo, đến năm 2025, Liên minh châu Âu (EU) sẽ có thêm 25 triệu người nghèo đói [3]… Những điều trên đã nói lên một cách rõ ràng tính chất ăn bám, bóc lột của CNTB. Chúng ta không phủ nhận những cố gắng thích nghi của CNTB và những thành tựu mà nó đạt được, đặc biệt về khoa học công nghệ, kinh tế và cải thiện đời sống của người lao động. Song, cũng cần nhận thức rõ thêm: Nếu như CNTB có sự tiến bộ nào đó về mặt xã hội, thì đó cũng là kết quả của quá trình đấu tranh bền bỉ, liên tục của giai cấp công nhân, nhân dân lao động ở các nước tư bản và sự tác động, ảnh hưởng bởi những giá trị vì con người của CNXH hiện thực thế giới. Trong tình hình hiện nay, chính từ các quốc gia tư bản phương Tây, người ta lại thấy có những tiếng nói về những giá trị của chủ nghĩa Mác, của học thuyết kinh tế Mác, về phong trào “trở về với Mác”, tìm đọc Mác. Đặc biệt, ở những thời điểm diễn ra cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu 2008-2009, trong khủng khoảng nợ công và suy thoái kinh tế ở nhiều quốc gia tư bản phát triển, phong trào “trở về với Mác”, tìm đọc Mác lại trở nên sôi nổi và thực tế hơn. Các tác phẩm của V.I.Lê-nin vẫn xếp số 1 trên thế giới và được dịch ra 134 ngôn ngữ ở 63 nước[4]. Không thể cố nói bừa rằng, chủ nghĩa Mác – Lê-nin là học thuyết “ảo tưởng”, đã “lạc hậu, lỗi thời”, khi chính học thuyết này đã tạo nên những hiện thực làm biến đổi thế giới, thúc đẩy sự phát triển, tiến bộ của lịch sử hiện đại và có sức lôi cuốn, tầm ảnh hưởng sâu rộng toàn nhân loại. 3. Ở nước ta hiện nay, “Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức”[5]. Quyền làm chủ của nhân dân không chỉ thể hiện trong Hiến pháp, pháp luật, mà ngày càng được thể hiện sinh động trong cuộc sống hằng ngày. Mọi công dân đều có quyền tham gia quản lý xã hội một cách trực tiếp, hoặc thông qua người đại diện do mình lựa chọn. Toàn bộ hoạt động của Đảng, Nhà nước xuất phát từ lợi ích và nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Sự nghiệp đổi mới đất nước theo định hướng XHCN gần 30 năm qua đã đạt được thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử. Mặc dù kinh tế còn nhiều khó khăn, nhưng nền giáo dục có sự phát triển, quyền học hành của con người được bảo đảm và ngày càng được thực hiện tốt; tỷ lệ học sinh, sinh viên người dân tộc thiểu số tăng khá nhanh; thời gian đi học tăng 3,2 năm (từ 8,7 lên 11,9 năm) [6]; quyền tự do báo chí, tự do hội họp; quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo được tôn trọng và bảo đảm theo quy định của pháp luật. Từ năm 1980 đến 2012, tuổi thọ người dân Việt Nam tăng 19,7 năm (từ 55,7 lên 75,4) [7]. Cũng phải thừa nhận rằng, chúng ta còn có nhiều hạn chế, còn nhiều khó khăn, thách thức trên con đường phát triển, nhưng những tiến bộ mà Việt Nam đạt được đã nói lên bản chất tốt đẹp và tính ưu việt của chế độ ta, một chế độ đang được xây dựng trên những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lê-nin. Đó đang là hiện thực, thực tế, không phải là đi theo một CNXH “viển vông”, “ảo tưởng” như họ cố tình gán ghép, xuyên tạc. Bản chất tốt đẹp và tính chất ưu việt của chế độ ta không phải tự nhiên mà có mà là kết quả của biết bao mồ hôi công sức và cả máu xương của nhiều thế hệ người Việt Nam kiên định đi theo con đường, mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH. PGS, TS NGUYỄN MẠNH HƯỞNG

[1] Ban Tuyên giáo Trung ương, Phê phán, bác bỏ các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nxb CTQG, H.2007, tr.48. [2] Báo Nhân Dân, số ra ngày 19-10-2011, tr.5. [3] Báo Nhân Dân, số ra ngày 4-1-2014, tr.8. [4] Báo Quân đội nhân dân số, ra ngày 19-4-2012, tr.8. [5] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 85. [6] Tạp chí Quốc phòng toàn dân, số 9/2013, tr.63. [7] Tạp chí Quốc phòng toàn dân, số 9/2013, tr.63.

NHÂN DANH ĐÁM ĐÔNG VÀ TRÍCH DẪN THỨ PHÁT 
Bài của GS NGUYỄN VĂN TUẤN trên Quechoa 17/9/2014 
 
 Đại tá, PGS TS Nguyễn Mạnh Hưởng ( Theo QĐND)
Đọc bài phê bình của tác giả Trường Sơn (1) thật thú vị vì có nhiều thông tin và nhất là nó cho chúng ta một cái nhìn khách quan. Tác giả phê bình bài “Niềm tin của một dân tộc không thể là sự ‘ảo tưởng’” (2) của ông PGS TS Nguyễn Mạnh Hưởng trên bài QĐND. Nhưng qua bài viết của tác giả Trường Sơn tôi chú ý ngay đến 2 vấn đề liên quan đến việc nhân danh đám đông và trích dẫn thứ phát trong bài văn của ông Nguyễn Mạnh Hưởng, và nhân đây tôi có vài dòng bàn thêm chung quanh 2 vấn đề đó.
Nhân danh đám đông
Ngay từ tựa đề, bài viết của ông Hưởng đã có cái nhân danh đám đông: “Niềm tin của một dân tộc không thể là sự ‘ảo tưởng’”. Tác giả muốn nói rằng một khi đám đông (quần chúng) đã chọn một lí tưởng nào đó thì lí tưởng đó không thể là một ảo tưởng, không thể sai được. Tôi nghĩ ngay đến 2 điểm không ổn trong kiểu lí luận này.
Thứ nhất là sự lựa chọn chủ nghĩa xã hội có thật sự là lựa chọn của dân tộc? Theo tôi thì chẳng có chứng cứ nào để nói như thế cả. Phân nửa đất nước trước 1975 không chọn XHCN, và phân nửa đó bị tấn công, tiến chiếm bằng vũ lực, và áp đặt thể chế XHCN, chứ họ đâu có chọn chủ nghĩa đó. Ngay cả ở miền Bắc tôi nghĩ nếu được hỏi nghiêm chỉnh và khách quan, đa số cũng không chọn XHCN. Sau 1975, hàng triệu người liều mình vượt biển và vượt biên và họ thà chết chứ không chấp nhận sống với XHCN. Cho đến nay, khi có điều kiện và có dịp, người Việt vẫn tìm cách bỏ nước ra đi. Cách hay nhất và khách quan nhất để biết ý kiến của người dân là trưng cầu dân ý một cách không can thiệp (giống như Thuỵ Sĩ đã làm về câu hỏi có nên tham gia EU, hay Úc làm để hỏi ý người dân muốn duy trì chế độ quân chủ). Thế nhưng ở VN hoàn toàn không có một cuộc trưng cầu dân ý nào để hỏi người dân về đường hướng XHCN. Người dân cũng không có quyền bầu cử người mình chọn (vì họ chỉ được bầu người do đảng chọn). Do đó, không có bất cứ một chứng cứ nào để kết luận rằng dân tộc Việt Nam chọn XHCH.
Thứ hai là cách nói dựa vào đám đông (dân tộc) là không ổn. Nếu dùng cách lí luận như thế, người ta cũng có thể nói việc đấu tố các “địa chủ” trong thời “Cải cách ruộng đất” là đúng bởi vì đa số người dân tham gia phiên toà đều tố cáo và xỉ vả nạn nhân. Nếu dựa vào số đông thì chúng ta thử xem trên thế giới còn bao nhiêu nước theo XHCN. (Ngay cả cái nước khai sinh ra cái chủ nghĩa xã hội đó cũng đã dẹp nó và đang hạnh phúc khi nó không còn). Dĩ nhiên con số nước (và số dân) trong các-nước-gọi-là XHCN chỉ là thiểu số trên thế giới, vậy suy ra, chủ nghĩa xã hội là sai? Do đó, lí luận dựa vào đám đông là không ổn. Việc dựa vào đám đông để thuyết phục một lí tưởng nào đó phản ảnh sự yếu đuối nội tâm của người phát biểu, và cũng phản ảnh sự thiếu tự tin vào lí tưởng mà họ đề xuất.
Thật ra, lí luận dựa vào đám đông là một loại nguỵ biện có tên là ad numerum. Loại ngụy biện này tin rằng nếu có nhiều người ủng hộ một đề nghị nào đó, thì đề nghị đó phải đúng. Ví dụ như “Đại đa số người dân trong cộng đồng ủng hộ ông Minh, vậy phát biểu của ông Minh ắt phải đúng.” Nhiều người cố gắng có nhiều fan để khi cần huy động họ cho một lí tưởng nào đó. Những người được huy động, rất nhiều người thuộc vào nhóm có học, cũng bị cuốn hút vào đám đông theo tâm lí bầy đàn mà không chịu suy nghĩ. Đó là thảm nạn của Cải cách ruộng đất khi con đấu tố cha mẹ vì bị kích động bởi đám đông và bị tiêm vào cái lí tưởng đấu tranh giai cấp. Do đó, vấn đề không phải là có nhiều người hay ít người ủng hộ một lí tưởng; vấn đề là lí tưởng đó có logic và hợp lí hay không. Vả lại, cái gọi là “đám đông” đó có thể bị kích động hay can thiệp, nên chân lí không nằm ở đám đông. Không nên dựa vào đám đông hay vào “dân tộc” để biện minh cho lựa chọn của một thiểu số.
Trích dẫn thứ phát
Vấn đề kế tiếp mà tôi muốn nêu trong bài viết của ông Hưởng là vấn đề mà tác giả Trường Sơn đã đề cập đến: đó là việc trích dẫn thông tin. Ông trích dẫn thông tin từ Oxfam cảnh báo rằng “đến năm 2025 Liên minh châu Âu (EU) sẽ có thêm 25 triệu người nghèo đói”, mà khi đọc nguồn thì ông cho biết từ báo … Nhân dân. Tương tự, ông viết “Theo Cục Điều tra Dân số Mỹ năm 2010, ở Mỹ có tới 46,2 triệu người (chiếm 15,2% dân số) thuộc diện nghèo, mức cao nhất trong 20 năm qua”, và nguồn thông tin cũng từ báo Nhân dân. Nói cách khác, ông không có đọc báo cáo của Oxfam, ông chưa tiếp cận được báo cáo của Cục điều tra dân số Mĩ, nhưng ông đọc báo Nhân dân có trích dẫn hai nguồn trên, và thế là ông tin rằng Nhân dân là nguồn thông tin!
Trong qui chế học thuật, người ta gọi hành động của ông Mạnh Hưởng là secondary citation, hay “trích dẫn thứ phát” (3). Trích dẫn thứ phát là một hành động thiếu thành thật tri thức, tức là intellectual dishonesty. Thiếu thành thật tri thức là vì người viết không có nỗ lực để kiểm tra nguồn thông tin gốc. Nếu ông A trích dẫn sai, và bà B trích dẫn từ ông A, thì bà B cũng sai. Không ai biết báo Nhân dân trích dẫn có đúng hay không, mà dựa vào báo Nhân dân là không thể xem là chính xác và thành thật.
Mà, quả thật là bài viết của ông Mạnh Hưởng trích dẫn sai. Sai về con số và thiếu thành thật về khái niệm. Tác giả Trường Sơn cung cấp thông tin gốc cho thấy khái niệm “nghèo” của Mĩ rất khác với nghèo của VN. Ở Mĩ, người ta định nghĩa hộ nghèo là thu nhập hàng tháng dưới 1987 USD. Còn ở VN chuẩn nghèo là thu nhập dưới 4.8 triệu đồng/năm (nông thôn) và 6 triệu đồng/năm (thành thị). Thu nhập trung bình của VN hiện nay chưa bằng chuẩn nghèo của Mĩ. Thành ra, so sánh kiểu ông Hưởng thật là so sánh trái táo và trái cam, rất khập khiễng.
Thế nhưng điều đáng ngạc nhiên là tác giả bài báo là một phó giáo sư tiến sĩ! Nếu bài viết chỉ là một bài trên blog thì chắc chẳng ai quan tâm đến các khía cạnh học thuật; nhưng đằng này nó là bài chính luận, xuất hiện trên tờ Quân đội nhân dân rất danh giá và nằm trong mục “Chống diễn biến hoà bình”. Với những sai sót căn bản về nguỵ biện và trích dẫn như nêu trên, tôi nghĩ bài viết chẳng thuyết phục được ai, và đó là một điều đáng tiếc. Nhưng có lẽ những sai sót đó cũng phản ảnh một phần, hay ít ra là một tín hiệu trong nhiều tín hiệu cho thấy nền học thuật ở VN đang có vấn đề.
—-
Chú thích:
(3) Tôi có một kinh nghiệm về tình trạng trích dẫn thứ phát trong khoa học rất ư là thú vị. Năm 1998 một tác giả Singapore tên là Deurenberg công bố một bài báo về béo phì trên tập san International Journal of Obesity, trong đó ông phát biểu rằng tiêu chuẩn để chẩn đoán béo phì là tỉ trọng mỡ toàn thân (PBF) >35% ở nữ và >25% ở nam; ông cho biết hai tiêu chuẩn này là trích dẫn từ một báo cáo của WHO vào năm 1995. Thế là suốt 16 năm liền, rất nhiều tác giả cứ trích dẫn tiêu chuẩn đó và nói là của WHO.
Tôi và đồng nghiệp VN khi phân tích tỉ trọng mỡ ở người Việt rất nghi ngờ về tiêu chuẩn này (vì nếu đúng như thế thì gần 60% người Việt là béo phì). Thế là chúng tôi quyết định tìm báo cáo của WHO năm 1995. Báo cáo có trên mạng, dài độ 400 trang. Chúng tôi scan tiêu chuẩn 35/25 đó, nhưng hoàn toàn không có. WHO không hề khuyến cáo bất cứ tiêu chuẩn PBF nào để chẩn đoán béo phì. Khi tôi liên lạc Deurenberg để hỏi thì ông cứ … lòng vòng. Chúng tôi thấy cũng chẳng cần nêu vấn đề, vì định chờ một dịp khác để nói.
Đến khi thấy một bài báo trên Mayo Clinic Proc lại trích dẫn tiêu chuẩn 35/25 thì chúng tôi thấy kiên nhẫn đã đến giới hạn. Chúng tôi viết một lá thư ngắn cho tập san, và họ đăng kèm theo trả lời của nhóm tác giả. Nhóm tác giả thú nhận là WHO không có đề ra tiêu chuẩn đó, nhưng họ không dám thú nhận là sai, mà viết vòng vo rất nực cười. Nhưng cộng đồng nghiên cứu obesity thì sau khi đọc lá thư của chúng tôi đều biết là suốt 16 năm trời người ta đã dùng sai tiêu chuẩn chỉ vì một trích dẫn thứ phát. Trích dẫn thứ phát rất tai hại.

Thật buồn cho cái lò ấp tư tưởng của Hội đồng lý luận trung ương

Bài của TRƯỜNG SƠN trên Quechoa 18/9/2014

Bài viết này là bài viết mà tôi muốn phản biện cho hai bài viết của một ông PGs.Ts nữa, đó chính là ông Nguyễn Viết Thông, giữ một chức vụ to nhất: Tổng thư ký trong hội đồng lý luận trung ương, qua hai bài viết: KIÊN ĐỊNH CON ĐƯỜNG CHỦ NGHĨA XÃ HỘI, bài 1: Khát vọng của Nhân Dân [1] và Bài 2: Những thành tựu không thể phủ nhận [2] được đăng trên báo SGGP số ra ngày 14 và 16/09/2014.
Tôi không hiểu cảm giác của những độc giả khác ra sao khi đọc phải hai bài viết này, còn với cá nhân tôi đó là sự tra tấn, vì bị nhồi chữ và vì thông tin sai lệch, láo khóet. Nó làm cho người đọc như tôi nghĩ rằng bài báo của một ông có học cao lắm, chức vụ to lắm nên muốn nói gì thì nói, khinh thường độc giả, bất chấp cảm giác của độc giả. Hay ông ta nghĩ, “trình độ dân trí còn thấp” nên cứ việc copy, xào nấu, cắt dán mỗi chỗ một ít là thành một bài hùng biện là dân sẽ tin sái cổ?
Ở bài thứ hai ông Nguyễn Viết Thông còn đưa ra được một vài con số và thông tin dù đó là thông tin què quặt, phiến diện và không đầy đủ, chứ còn bài viết thứ nhất, cả một bài ông ta viết cũng chẳng có một câu từ nào mới ngoài những văn kiện, báo cáo qua các kỳ họp của Đảng và chính quyền và những khẩu hiệu tuyên truyền được áp trương đầy đường. Nếu ngồi đọc liên tục không nghỉ, tôi phải nghĩ rằng ông PGs này bị ma nhập hoặc ông ta bê một báo cáo nào đó lên mặt báo vì nó giống như một văn kiện của cuộc tổng kết thi đua, kể lể loằng ngoằng, chẳng có cái gì gọi là chứng minh cho cái nội dung bao trùm bài viết: con đường này hay cái sông nọ là khát vọng của ai hết.
ĐỐI VỚI BÀI THỨ NHẤT: Khát vọng của nhân dân
Câu chữ thứ nhất: KHÁT VỌNG CỦA NHÂN DÂN
Để cho phải lẽ, dù rằng tôi cảm thấy rất khó chịu với cách viết lấy được này, tôi cũng xin phản biện từng mảng lý luận mà ông Thông viết ra.
  • Xây đựng con đường XHCN là do ai đề xướng? Câu trả lời: Đảng CSVN chứ không phải là người dân VN.
  • Kiên định con đường XHCN là ý muốn của ai? Câu trả lời Đảng CSVN, không phải là nhân dân VN.
  • Đảng CSVN lên nắm quyền lãnh đạo do ai bầu: Câu trả lời là dân Việt Nam không ai bầu Đảng CS mà do Đảng tiếm quyền, tự xưng hô mình lên
Tại sao ông PGs Thông lại dám tráo ngôn mà nói rằng kiên định con đường XHCN là khát vọng của nhân dân? Nếu không tin, chính quyền có dám làm một cuộc trưng cầu dân ý hay không?
Sau khi đọc tuyên ngôn độc lập 1945, những người CS tự phong cho mình là giai cấp lãnh đạo. Trước đó CS chưa có được sự ủng hộ của dân chúng nên khi nạn đói xảy ra năm 1944-1945, cộng sản VN chẳng làm gì hiệu quả để giúp dân chống đói. Trong nguy cơ đói cận kề cái chết, người dân không còn e sợ sự đàn áp của chính quyền Pháp nên hưởng ứng phong trào cướp kho thóc của giặc. Trong lịch sử hoạt động của mình, đảng CSVN rất tự hào về hành động cướp kho thóc cứu đói cho người dân và thường xuyên nhắc đến việc này trong các tác phẩm phim ảnh, văn học như một ơn huệ ban phát cho dân, trong khi thóc là của dân và hành động này ban đầu do tự phát. Sự tiếm công này đã chiếm được cảm tình của nhân dân, dẫn đến sự kiện Cách mạng tháng Tám diễn ra thuận lợi. Thế nhưng khi cuộc chiến tranh với Pháp kết thúc, đảng Cộng sản lên nắm quyền ở Miền Bắc vào năm 1954 thì làn sóng di dân tránh cộng sản để chạy vào với tư bản miền Nam diễn ra mạnh mẽ do cuộc cải cách ruộng đất, đến nỗi ông Lê Duẩn còn thảng thốt kêu lên “đến cái cột điện mà có chân thì nó cũng đi”. Rồi đến năm 1975, khi người CS tuyên bố thống nhất đất nước, một làn sóng di dân lớn nhất trong lịch sử nhân loại của thế kỷ thứ 20 lại một lần nữa diễn ra, sự kiện tang thương này đã bổ sung cho từ điển thế giới một danh từ mới nữa đó là “thuyền nhân” (Boat people). Sao ông ta dám nói bừa “kiên định con đường XHCN là khát vọng của nhân dân”?
Câu chữ thứ hai: Đó là công trình vĩ đại của Đảng và nhân dân ta trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.
Chủ nghĩa xã hội và xã hội chủ nghĩa khác nhau ra sao? Hay đây là một cách chơi chữ nói cho nó vần mồm?
Tại sao lại là xây dựng chủ nghĩa xã hội nhưng lại bảo vệ tổ quốc xã hội chủ nghĩa? Tức là xây một cái và bảo vệ một cái khác?
Câu chữ thứ ba:” phát triển nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa” 
Hay một câu tương tự “Đồng thời làm rõ hơn định hướng xã hội chủ nghĩa trong việc xây dựng nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần”.
Thế nhưng “Tính đến tháng 11 năm 2007, đã có Trung Quốc, Nga, Venezuela, Nam Phi, ASEAN và Ucraina tuyên bố công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường đầy đủ” [3]. Còn hiện nay chính quyền VN đang năn nỉ Mỹ và nhiều nước khác như Nhật, các nước trong khối ASEAN, các nước khối EU công nhận là VN có nền kinh tế thị trường để hạn chế việc hàng hóa xuất khẩu của VN bị kiện bán phá giá, được nước nào tốt nước đó, hễ có ai công nhận là mừng rú lên đưa tin đầy mặt báo. Tại sao ông PGs Thông lại nói sai như thế? Hay là câu chữ trên thì nói với dân, dùng để đe nẹt dân tình rằng Đảng CS vẫn kiên định XHCN đấy, còn ra ngoài thì dấu nhẹm nó đi vì lòi đuôi XHCN ra thì chẳng ai thèm chơi?
ĐỐI VỚI BÀI VIẾT THỨ HAI: Những thành tựu không thể phủ nhận
Mở đầu bài viết, sau khi nhồi nhét một tràng khẩu hiệu, một câu thông ngôn cố hữu của hội đồng lý luận trung ương (ông nào cũng viết như vậy), ông Thông tuyên bố như sau “Thực hiện công cuộc đổi mới theo con đường xã hội chủ nghĩa ở nước ta dưới sự lãnh đạo của Đảng, đất nước và nhân dân Việt Nam trong chặng đường gần 30 năm đổi mới vừa qua đã đạt được rất nhiều thành tựu to lớn trên nhiều lĩnh vực.
Thế nhưng để cho dễ so sánh tôi xin trích dẫn một bảng tăng trưởng GDP bình quân giữa VN và các nước trong khu vực để quý vị tự đánh giá [4].
Trong số 9 nước khảo sát, VN chỉ hơn Lào và Campuchia.
Hình ảnh mà bài viết của ông dùng để minh họa chính là Cầu Thủ Thiêm, xây ngầm vượt sông Sài Gòn, thế nhưng ông PGs Thông có biết gần như phần lớn các công trình nổi bật của VN từ năm 2000 tới giờ đều được thực hiện dựa vào vốn vay nước ngoài hay không? Để dễ hình dung tôi tạm so sánh hình ảnh bộ mặt Việt Nam hiện nay giống như một anh nhà nghèo mà diện quần áo mới (do đi vay mà mua được). Bây giờ là lúc phải trả nợ.
Liếc nhìn con số về nợ công của Việt Nam thì luôn có xu hướng tăng lên rất nhanh. Theo đánh giá của Bộ Tài chính, nợ công Việt Nam năm 2007 chiếm khoảng 33,8% GDP, năm 2008 chiếm 36,2% GDP, năm 2009 chiếm 41,9% GDP, năm 2010 chiếm 52,6% GDP và năm 2011 chiếm 58,7% GDP. Còn theo đánh giá của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), nợ công Việt Nam tăng từ 31,7% GDP năm 2001 lên 42,2% GDP năm 2005, đạt 52,7% GDP năm 2010. Tính trong giai đoạn 2007-2011, nợ công Việt Nam đã tăng khoảng 25%, đạt mức tăng trung bình 5%/năm. Tính theo tốc độ tăng trung bình, đến năm 2019, dự báo nợ công Việt Nam sẽ đạt mức 100% GDP [5] Trung bình một người dân VN từ người già tóc bạc cho tới âu thơ mới nứt mắt gánh một khoản nợ công là 826 USD vào năm 2013 [6] và tăng lên là 905 theo thống kê năm 2014 [7]
Còn tỉ lệ lạm phát của VN theo ghi nhận của tổ chức thế giới VN có mức lạm phát rất cao.
Tỉ lệ lạm phát của Việt Nam so với một số nước và thế giới năm 2010 [8]
Còn những đại doanh nghiệp nhà nước như Tập đoàn Sông Đà, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petro Vietnam), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Viễn thông Quân Đội, Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển Nông thôn bị chính thanh tra của chính phủ phát hiện sai phạm gây tổn thất nặng nề. Việc đầu tư thua lỗ của các doanh nghiệp nhà nước độc quyền dẫn đến chính người dân và những người đóng thuế sẽ phải bỏ tiền của mình ra để trả nợ vì những sai phạm kinh tế làm lỗ tới hàng tỷ đôla gây ra bởi các tập đoàn, tổng công ty của Nhà nước. [9]
Năm 2012, theo nghiên cứu của tổ chức nghiên cứu Brookings của Mỹ, người Việt Nam có gánh nặng thuế và chi phí cao bậc nhất khu vực. Việt Nam có tỷ lệ dân nghèo (người có thu nhập dưới 2 USD/ngày) chiếm 18,2% dân số; tầng lớp trung lưu (thu nhập trên 5.600 USD/năm) chỉ chiếm 5,6% dân số. [10] Cá tập đoàn kinh tế nhà nước cốt lõi của nền kinh tế Việt Nam kinh doanh theo kiểu “lời ăn, lỗ dân chịu”, nhiều doanh nghiệp bị thua lỗ nặng như VINASHIN (nợ từ 80.000 đến 120.000 tỉ đồng) [11] VINALINE (nợ hơn 43.000 tỉ) [12] Vinaconex(nợ nghìn tỉ), EVN, Petro Vietnam… Tổng số nợ của các doanh nghiệp nhà nước hiện nay là trên 50 tỷ USD [13].
Ông PGs Thông không đề cập tới “thành tựu” của giáo dục, của y tế, của an ninh trật tự xã hội ,…nên tôi không phản biện phần này. Tôi nghĩ con cố, thông tin cũng “ấn tượng” không kém so với kinh tế, nói ra bằng thừa. Chỉ biết ngửa mặt lên trời mà than một câu “sao các ông vô liêm sỉ như thế, cứ lừa mị dân, nói láo quen mồm mà không biết xấu hổ”
Thật là buồn cho nền khoa học VN, toàn những vị PGs như ông Nguyễn Viết Thông, PGs Nguyễn Mạnh Hưởng, GS Hoàng Chí Bảo,…ở cái lò ấp tư tưởng của hội đồng lý luận trung ương, chỉ sao chép, cắt dán, chém gió đến cái tầm cấp đó thôi sao? Chả trách là khoa học và giáo dục của Việt Nam không cất đầu lên nổi.
…………………..
 Tên bài của Quê choa, tên gốc: Lại một ông PGS.TS chém gió, nói khoác mà không biết ngượng
Tài liệu tham khảo:
  1. http://www.sggp.org.vn/xaydungdang/2014/9/361127/
  2. http://www.sggp.org.vn/xaydungdang/2014/9/361259/
  3. http://kinhdoanh.vnexpress.net/tin-tuc/vi-mo/them-mot-nuoc-cong-nhan-vn-co-nen-kinh-te-thi-truong-2690795.html
  1. Tạp chí Khoa Học ĐHQGHN, Khoa Kinh Tế và Kinh Doanh 28 (2012) 200-208.
  2. http://dantri.com.vn/kinh-doanh/moi-nguoi-dan-viet-nam-ganh-186-trieu-dong-no-cong-853449.htm
  3. http://vov.vn/kinh-te/moi-nguoi-dan-viet-nam-ganh-no-cong-tang-len-hon-905-usd-332115.vov
  4. http://vi.wikipedia.org/wiki/Kinh_tế_Việt_Nam

Bình luận về bài viết này

Chuyên mục