Đăng bởi: ngothebinh | Tháng Mười Một 12, 2012

20121112. QUỐC HỘI KỲ 4 KHÓA 13 VÀ CỬ TRI BÀN VỀ SỬA HIẾN PHÁP 1992

“CHỦ TỊCH NƯỚC  THĂNG, PHONG QUÂN HÀM LÀ PHÙ HƠP!”

Bài của pv NGUYỄN DŨNG trên infonet 7/11/2012

“Hiến pháp sửa đổi lần này đã phát huy được sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, tất cả quyền lực thuộc về nhân dân. Đối với vị trí Chủ tịch nước, việc trao lại cho Chủ tịch nước một số quyền, trong đó có quyền phong, thăng quân hàm là phù hợp”.

Sáng 6/11, các đại biểu thảo luận ở tổ về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Chia sẻ về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son, đại biểu đoàn Hà Nội cho rằng, Hiến pháp sửa đổi lần này đã kế thừa đầy đủ những nội dung cơ bản của Hiến pháp năm 1992. Hiến pháp sửa đổi lần này tiếp tục phát huy được sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, khẳng định tất cả quyền lực của nhà nước thuộc về nhân dân. Trong đó vẫn khẳng định được vai trò lãnh đạo của Đảng đối với nhà nước, với hệ thống chính trị. Bên cạnh đó, Hiến pháp cũng thể hiện sâu sắc hơn quyền và nghĩa vụ của công dân.

Đối với vị trí Chủ tịch nước, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cho rằng, việc trao lại cho Chủ tịch nước một số quyền, trong đó có quyền phong, thăng quân hàm là phù hợp.

Bộ trưởng Bộ TT&TT chia sẻ tại tổ về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Ảnh LD

Gợi lại lịch sử Hiến pháp, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cho biết, trong Hiến pháp năm 1946, đối với quân đội, lực lượng vũ trang Chủ tịch nước là người đứng đầu, chỉ huy lực lượng trên phạm vi toàn quốc. Điều 49 của Hiến pháp năm 1946 ghi rõ Chủ tịch nước là tổng chỉ huy quân đội toàn quốc. Đến Hiến pháp năm 1959, 1980 điều 65, 103 cũng ghi rõ Chủ tịch nước là Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng.

Tuy nhiên, từ năm 1992, vị trí Chủ tịch nước không phải thực quyền, mà chỉ giữ vai trò đối nội, đối ngoại. Đôi lúc vai trò của Chủ tịch nước chưa thể hiện hết được. Theo Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son, từ Hiến pháp năm 1992 hồi đó chỉ có Chủ tịch nước Lê Đức Anh vừa là Chủ tịch nước, đồng thời là Ủy viên Bộ Chính trị phụ trách quốc phòng an ninh, đối ngoại, nội chính nên vai trò thực quyền rất rõ. Hay rõ hơn cả như Chủ tịch Hồ Chí Minh, người đã ký quyết định phong quân hàm cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Trung tướng Nguyễn Bình và 9 đồng chí Thiếu tướng đầu tiên khác vào năm 1948.

Nhưng Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cho rằng, nếu biên soạn như Dự thảo lần này thì vô hình chung lại thành hạn chế quyền của Chủ tịch nước chứ không phải tăng quyền như ban soạn thảo muốn thể hiện. Hiến pháp sửa đổi ghi, Chủ tịch nước thống lĩnh các lực lượng vũ trang, Chủ tịch hội đồng quốc phòng an ninh, quyết định phong quân hàm cấp sĩ quan, cấp tướng, đô đốc, phó đô đốc, chuẩn đô đốc hải quân và bổ nhiệm Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam.

Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son phân tích, nếu Hiến pháp sửa đổi chỉ ghi “phong quân hàm” thì sẽ không đúng. Vì trong Luật Sĩ quan QĐND Việt Nam, “phong quân hàm” là phong cho người mới đầu tiên, còn “thăng quân hàm” lại dành cho những người đã có quân hàm rồi và bây giờ thăng quân hàm lên cấp cao hơn, ví dụ thiếu tướng “thăng” lên trung tướng, thượng tướng, hay đại tướng. Vì thế, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son đề nghị Dự thảo cần bổ sung từ “thăng” vào thành cụm từ hoàn chỉnh (phong, thăng quân hàm) để thể hiện rõ quyền Chủ tịch nước, ngoài “phong” còn có quyền “thăng quân hàm”.

Nguyễn Dũng

LÃNG PHÍ GHẾ CHỦ TỊCH NƯỚC!

Bài của ĐÀO TUẤN trên Quechoa 7/11/2012

 

Đương thời, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết có lần yêu cầuMặt trận mở cuộc vận động hỏa táng, để tiết kiệm đất, và hát quốc ca, để giáo dục lòng yêu nước. Những điều đó là cần thiết, nhưng dường như đó không phải là việc xứng với tầm vóc của mấy chữ “nguyên thủ quốc gia”.
Đã từ rất lâu, trước dân chúng, chế định Chủ tịch nước rất đơn giản chỉ là người đọc vài câu “gửi đồng bào và chiến sĩ cả nước” mỗi đêm giao thừa, xuất hiện trong những bản tin tiếp khách lễ tân; tới trao huân chương, dự lễ khánh thành. Sang hơn tí nữa thì ký ban hành luật. Và đó là một bộ luật đã được Chính phủ đệ trình và Quốc hội thông qua.
Rất ít điểm nhấn, như việc Chủ tịch nước cưỡi tàu ra Bạch Long Vĩ để khẳng định chủ quyền biển đảo. Hoặc Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định quyết tâm chống tham nhũng.
Đến ngay một công việc đã được quy định trong Hiến pháp, rằng Chủ tịch nước có quyền dự các phiên họp của Chỉnh phủ, thực ra, cũng chưa từng được thực hiện. Ngày hôm qua, Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp Đinh Xuân Thảo băn khoăn vừa hỏi vừa tự trả lời: Trước đây quy định Chủ tịch nước được quyền tham dự các buổi họp của Chính phủ. Nhưng quy định này là chưa rõ ràng. Có một cái ghế chủ tọa thì Thủ tướng ngồi rồi. Vậy thì Chủ tịch nước ngồi ở đâu!?”. Vấn đề mà ông Thảo nói, chắc chắn không phải là vì “thiếu một cái ghế”. Mà ở việc “kê thêm ghế”, và “chỗ đặt ghế”.
Cái ghế Chủ tịch nước, trong Hiến pháp, là nguyên thủ quốc gia, nhưng thực tế, lại rất “tượng trưng”- Đây là từ mà ĐBQH Nguyễn Thị Quốc Khánh đã sử dụng. Theo bà Khánh, chế định Chủ tịch nước chỉ có thực quyền trong thời kỳ đầu khi Hiến pháp quy định Chủ tịch nước đồng thời là người đứng đầu Chính phủ. Tuy nhiên, “càng về sau, chế định Chủ tịch nước, dù vị trí rất quan trọng nhưng chỉ mang tính chất tượng trưng”. Sau khi nhắc đi nhắc lại rằng : “Chúng ta phải thừa nhận thực tế như vậy”, sau khi ngập ngừng mất vài giây, bà Khánh sau đó đã quả quyết dùng chữ “lãng phí”: “Và điều đó là rất lãng phí”.
Ngày hôm qua, ĐBQH nào phát biểu liên quan đến chế định Chủ tịch nước đều tán thành việc cần tăng quyền lực cho chức danh này. Đây là một sự đồng thuận tuyệt đối hiếm thấy tại Quốc hội.
Viện trưởng Đinh Xuân Thảo nói: Hiến pháp quy định rõ những gì gắn với chức năng của Chủ tịch nước thì chế định này có quyền yêu cầu triệu tập phiên họp Chính phủ. Chủ tịch nước là Thống lĩnh lực lượng vũ trang, Chủ tịch HĐ quốc phòng an ninh. Được phong quân hàm cấp tướng từ thiếu tướng trở lên, chuẩn đô đốc hải quân trở lên. Chủ tịch nước được quyền bãi bỏ văn bản của chính phủ, Thủ tướng chính phủ. Chủ tịch nước có quyền đề nghị QH bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Thủ tướng, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng và các thành viên khác.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Đình Quyền, người tự nhận “nói thẳng quá nên giờ người ta không mời góp ý cho Hiến pháp nữa” cũng để nghị: “Cần xem xét vai trò của Chủ tịch nước trong mối quan hệ với Quốc hội, đặc biệt là đối với Chính phủ khi trong Hiếp pháp 1992, quy định về mỗi quan hệ này là rất mờ nhạt”.
Và bà Khánh đương nhiên đặc biệt tán đồng bởi theo bà : “Tăng quyền cho Chủ tịch nước chính là việc tăng cường kiểm soát quyền lực của nhau (các chế định khác)”.
Nhưng rõ ràng, sự đồng thuận tuyệt đối tại QH hôm qua, không phải bởi để tránh lãng phí.
Bởi nếu để tránh lãng phí thực sự, và không chỉ là một “cái ghế”, thì Hiến pháp đáng lẽ phải tái lập chế định Chủ tịch nước như bản hiến pháp đầu tiên năm 1946, theo đó Chủ tịch nước vừa là nguyên thủ quốc gia, vừa là người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước cao nhất. Và trả lại quyền kiểm tra, giám sát, bổ nhiệm, miễn nhiệm, hủy bỏ cho Quốc hội. Huống chi, ở Việt Nam còn có chế định “Đảng cộng sản” cũng được ghi trong Hiến pháp.

Theo blog ĐT

DÂN QUYẾT ?

Bài của THÙY LINH trên Quechoa 7/11/2012

Quốc hội đang bàn về việc sửa đổi Hiến pháp. Nhiều ý kiến đề nghị để dân bàn, dân quyết việc có nên sửa đổi cũng như nội dung sửa đổi, chứ không chỉ để Quốc hội làm việc này. Vẫn là cách làm chung trên thế giới vì Hiến pháp, pháp luật của bất cứ nước nào cũng lấy con người làm trung tâm để tồn tại. Nhưng hiện tại khá nhiều điều luật của Hiến Pháp và pháp luật Việt Nam vẫn lấy ý muốn chủ quan của đảng cầm quyền, ý thức hệ để làm mục đích hình thành và xây dựng các điều luật.

Vậy, câu hỏi đặt ra, dân được bàn, được quyết ở những khía cạnh gì? Có khoanh vùng cấm địa mà người dân không được phép bàn tới hay không? Cách thu thập ý kiến của người dân lấy gì bảo đảm khách quan và đủ đại diện cho nhiều ý kiến khác nhau, kể cả ý kiến trái chiều mà chính quyền không muốn nghe? Liệu các ý kiến đề xuất, góp ý trái chiều có bị qui kết là “thế lực thù địch”, là “tuyên truyền chống phá nhà nước” hay “có ý định lật đổ chính quyền”?

Thực tế cho thấy, ngay việc tiếp xúc cử tri ở cơ sở cũng đã bị hạn chế thành phần cử tri tham gia, nhất là nơi có lãnh đạo chính quyền làm đại biểu. Những người “có vấn đề” với chính quyền tất nhiên không bao giờ được có mặt trong những buổi tiếp xúc như vậy, mặc dù họ chưa hề bị tước quyền công dân. Bởi lẽ ý kiến của họ luôn “nghịch nhĩ” với những gì chính quyền muốn nghe. Sự thật rất khó là mật ngọt, êm tai, thuận nhĩ. Nhưng người “có vấn đề” này liệu có được tham gia góp ý mà không bị thành kiến?

Nhiều năm nay, kết quả các cuộc bầu cử, phiếu thăm dò, lấy ý kiến dù bé hay lớn, ở bất cứ lĩnh vực gì, từ Quốc hội đến các cơ quan hành chính, công quyền…không nhận được nhiều lòng tin của mọi người. Nói như dân gian là “nghe giang hồ đồn thổi” thì kết quả ông A, bà B, anh C, chị D…là thế này, thế kia, nhưng khi công khai thì bao giờ cũng là một con số đẹp – một con số để người trúng cử hãnh diện là đang được đông đảo quần chúng tín nhiệm. Vậy việc lấy ý kiến nhân dân về sửa đổi hiến pháp bằng cách nào để Quốc hội có một kết quả chính xác, vừa thể hiện nguyện vọng của người dân, vừa đủ để người dân đặt lòng tin vào đó?Đơn cử một vấn đề bức xúc lớn hiện nay, gây khá nhiều bất ổn xã hội bởi các cuộc khiếu kiện kéo dài, sục sôi ở nhiều tỉnh thành cả nước, đó chính là quan niệm về sở hữu đất đai. Các chuyên gia về lĩnh vực này chỉ ra rằng: “Điều 17 Hiến pháp 1992 quy định: “Đất đai, rừng núi…đều thuộc sở hữu toàn dân”. Từng công dân chỉ có quyền sử dụng. Nhưng Luật đất đai lại quy định, người dân lại có các quyền: chuyển nhượng, góp vốn sản xuất, kinh doanh, thế chấp, cầm cố, thừa kế…là những quyền thuộc quyền định đoạt của chủ sở hữu. Do vậy, người sử dụng ngộ nhận mình là người chủ sở hữu, người quản lý lạm quyền của người chủ sở hữu…Nội hàm của quy phạm này có hai điều không rõ: Ai trong số ba hệ thống các cơ quan nhà nước (lập pháp, hành pháp, tư pháp) là người đại diện của chủ sở hữu và ai là người quản lý? Không lẽ cả ba?…Sự không rành mạch này khiến luật pháp về đất đai trở nên rườm rà, mâu thuẫn, chồng chéo, không ổn định. Cơ quan hành pháp phải ban hành thêm rất nhiều văn bản dưới luật dưới dạng luật hành chính để điều chỉnh các quan hệ thuộc phạm trù luật dân sự như: quy định các “hệ số k” về khung giá và giá, quy định về chuyển nhượng, góp vốn, thế chấp, cầm cố, thừa kế, thu hồi đất có đền bù, không đền bù và loay hoay mãi trong nhiều năm để định nghĩa thế nào là phù hợp, là sát với giá thị trường. Pháp luật dân sự là công cụ chủ yếu trong điều chỉnh các quan hệ về đất đai. Nhưng hiện tại lại nặng về dùng pháp luật hành chính, pháp luật hình sự để giải quyết – là mảnh đất màu mỡ cho tệ tham nhũng và ngày càng khó ngăn chặn”(Vietnamnet). Điều luật này trong Hiến pháp xuân thu nhị kỳ được bàn rất nhiều. Các chuyên gia đều gần như thống nhất ý kiến “sở hữu toàn dân” đã rất lạc hậu với đời sống, nhưng gần đây hội nghị TW vẫn xác quyết lập trường không thay đổi. Nhiều người tin, đây không phải là mong muốn của người dân. Vậy nguyện vọng này sắp tới có được đưa ra lấy ý kiến nhân dân? Và nguyện vọng của họ có được tôn trọng?

Một việc nữa không kém phần bức xúc, đó là quyền được biểu tình. Trong Hiến pháp điều luật này đã có từ lâu nhưng chưa khi nào được luật hóa để đi vào đời sống. Mới đây, dư luận gần như phát khùng bởi bài phát biểu của đại biểu Quốc hội Hoàng Hữu Phước khi cho rằng: “Liệu cái gọi là quyền biểu tình ấy có lớn hơn quyền được kiếm sống của người dân, quyền được ra đời của con cái người dân, quyền được sử dụng công lộ của người dân, quyền được mưu cầu hạnh phúc của người dân. Câu hỏi được đặt ra ở đây là dự án Luật biểu tình đã tham vấn ý kiến, nguyện vọng của cử tri, công dân là người cao tuổi, cựu kháng chiến, cựu chiến binh, anh hùng các lực lượng vũ trang, anh hùng lao động, tập thể nông dân, tập thể quân đội, công an, những chiến sỹ biên phòng đang trấn giữ biên cương của tổ quốc và hải đảo quốc gia, những nhà tu hành chân chính hay chỉ vì một nhóm nhỏ vài chục, vài trăm sinh viên, học sinh, những người chưa là những công dân có thu nhập, có việc làm. Đa số công dân sẽ không ủng hộ Luật biểu tình vì bản chất dễ bị tổn thương và dễ bị lợi dụng gây ra biến loạn”. Thậm chí đại biểu này còn bài xích biểu tình ở mức độ thóa mạ, không tương xứng với ghế ngồi của một dân biểu: “Việt Nam chưa phải là siêu cường kinh tế để có thể đài thọ cho một sự ô danh”.

 Trên thực tế, nhu cầu biểu tình của người dân đang mỗi lúc cấp thiết hơn bao giờ hết. Mặc dù chính quyền vẫn đang ngăn cản việc thực thi quyền lợi của người dân thì các cuộc xuống đường vẫn nổ ra. Quyền lợi của các “chủ thể của quyền lực” này đã bị biến thành vũ khí bất lợi cho họ, khi chính quyền dùng nó để khép họ vào tội “gây rối trật tự công cộng” và các tội khác khi cần thiết dẹp bỏ làn sóng phản kháng. Liệu nguyện vọng của người dân đến bao giờ được thực thi?

 Chưa lấy ý kiến nhân dân về quyền phúc quyết Hiến pháp thì đã có ý kiến của đại biểu Bùi Văn Tình (Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình) dè chừng rằng: “ban soạn thảo cần định hướng thế nào trong việc xin ý kiến nhân dân. Bởi cần cân nhắc tình huống các thế lực thù địch lợi dụng để chống phá. Do vậy, nên có một điều cấm các hành vi phá hoại trong việc xin ý kiến” (Vietnamnet).

 Vậy là giữa nhân dân và chính quyền luôn có một “cái lẫy” để phủ quyết nhau, không thể lắng nghe nhau chính do sự “định hướng” kiểu cầm đèn chạy trước ô tô, và quan niệm “các thế lực thù địch lợi dụng để chống phá” từ phía chính quyền. Nếu mối quan hệ giữa nhân dân và chính quyền luôn là sự nghi ngờ, cảnh giác, dè chừng, thù nghịch, suy diễn…thì chỉ thổi bùng ngọn lửa đối kháng.

 Ai là thế lực thù địch, kẻ đó chống phá như thế nào, ra sao là việc của cơ quan an ninh phải làm rõ và công khai cho người dân biết. Nếu không đưa ra được bằng chứng mà qui kết những phản biện, sự bất bình, phẫn nộ…của người dân về một chính quyền tham nhũng sẽ không cho một kết quả cần thiết, chính xác để “chủ thể quyền lực là nhân dân” (lời của Chánh án Tòa án quân sự Trung ương Trần Văn Độ) đưa ra quyền phúc quyết về Hiến pháp.

 Thế nên để có một bản Hiến pháp lâu dài, không phải cứ ít lâu lại mang ra mổ xẻ, bàn bạc, thì cái cần thay đổi trước, đó là tư duy của những người cầm quyền. Một tư duy bảo thủ, lạc hậu, thực sự phản động lại sự phát triển của đất nước thì người dân – chủ thể quyền lực – còn mất nhiều thời gian để “ăn bánh vẽ”. Nhưng khi người dân không còn ảo tưởng về những gì chính quyền nói thì đương nhiên sẽ nảy sinh mâu thuẫn ngay khi chưa lấy ý kiến. Và mâu thuẫn này chưa đến hồi kết…

Và nữa, Hiến pháp sửa đổi sắp tới vẫn sẽ là Hiến pháp dùng tạm thời gian ngắn.

Theo blog TL

 DÂN CHỦ, BẦU CỬ VÀ KHÔNG KHÍ CHÍNH TRỊ

Bài của HỒNG NGỌC trên Tuần VN 8/11/2012

 Cả thế giới nín thở theo dõi cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ. Thậm chí rất nhiều người trong số đó thiếu sự quan tâm thật sự với cuộc bầu cử ngay trên đất nước mình! Liệu đó có phải là điều kỳ lạ?

>> Tuyên bố của Obama, Romney sau thắng bại/ Obama giành chiến thắng/ Người ủng hộ Obama reo hò mừng chiến thắng 

Dân chủ và bầu cử

Dân chủ, hiểu theo ý nghĩa nguyên thủy từ nơi mà khái niệm này được sinh ra – nhà nước Athens thế kỷ 4-5 trước Công nguyên – có nghĩa là quyền lực thuộc về nhân dân.

Từ dân chủ trong tiếng Việt là từ Hán Việt, có thể hiểu một cách đơn giản theo ý nghĩa chiết tự của nó là chủ quyền thuộc về nhân dân. Trong đời sống, chúng ta nôm na hóa nó thành “dân làm chủ”.

 

Hầu như tất cả các chế độ xã hội trong lịch sử theo thế quyền đều tự cho mình là dân chủ. Vì ai nắm quyền lực cũng đều tự xưng rằng mình nắm quyền là chính đáng. Nếu không nhân danh thần quyền (nắm quyền theo ý Chúa hoặc ý Trời), thì tất nhiên là phải theo ý nguyện của nhân dân.

Nhưng làm thế nào để quyền lực thật sự thuộc về nhân dân, để dân thật sự làm chủ thì lại là cả một hệ thống triết lý và tổ chức chính trị.

Trong hình thức lý tưởng, dân chủ nghĩa là tất cả mọi người cùng thảo luận, cùng biểu quyết để ra quyết định chung cho cộng đồng, chính là dân chủ trực tiếp. Nhưng trong thực tế nhân loại, “sân khấu” đông nhất để tụ họp chỉ có chừng 100 ngàn chỗ ngồi, là vài sân vận động lớn nhất thế giới chứ không phải là các quảng trường chính trị. Nếu các quảng trường có tới 100 ngàn chỗ có thể ngồi, thì đó chỉ là nơi tụ họp để biểu tình chứ không phải có chức năng thảo luận và biểu quyết, vì không thể tổ chức và điều phối cho 100 ngàn người cùng thảo luận.

Lịch sử hiện đại lại không có vị thế cho quốc gia dưới 100 ngàn dân. Vì thế, dân chủ trực tiếp ở quy mô quốc gia là không tồn tại. Hình thức thay thế khả dĩ nhất là dân chủ gián tiếp hay dân chủ đại diện, ở đó, người dân bầu ra các đại biểu đại diện cho mình để thảo luận và ra quyết định chung cho cộng đồng. Đó là các dân biểu. Trong các chế độ theo mô hình Tổng thống như nước Mỹ, người dân còn trực tiếp bầu ra người đứng đầu cơ quan hành pháp. Các dân biểu sẽ thảo luận và ra quyết định về luật và chính sách. Trong các chế độ theo mô hình Nghị viện, các dân biểu còn bầu chọn ra người đứng đầu cơ quan hành pháp.

Bầu cử và không khí chính trị

Như vậy, bầu cử chính là hành vi quan trọng nhất trong một chế độ dân chủ. Vì nó là điểm mấu chốt cho việc người dân được làm chủ, trong mô hình dân chủ gián tiếp, khi người dân chọn ra những người đại diện cho mình để thảo luận và ra quyết định đời sống chung của cộng đồng.

Nhưng tổ chức bầu cử như thế nào để người dân được lựa chọn đúng người mà họ muốn làm đại diện cho mình là việc quan trọng không kém.

Thứ nhất, cuộc bầu cử phải bảo đảm rằng nó tạo cơ hội cho tất cả các ứng viên có ý nguyện đại diện và phục vụ cho cộng đồng. Một cuộc bầu cử phản dân chủ thì tìm cách loại những ứng viên tiềm năng bằng cách đặt thêm điều kiện, hoặc ngụy tạo các lý do để loại bỏ bớt ứng viên. Thường thì mọi sự sắp đặt loại bớt ứng viên đều có bàn tay của chính quyền đương nhiệm, vì con người có khuynh hướng níu kéo quyền lực. Để loại bỏ can thiệp của chính quyền đương nhiệm, cách duy nhất là phải có Ủy ban bầu cử độc lập.

Thứ hai, cử tri phải biết ứng viên là ai. Không thể chỉ là hồ sơ khô khốc về học vị, tiểu sử chính trị, và chức vụ hiện tại. Chức vụ hiện tại đương nhiên là lợi thế cho các quan chức đương nhiệm. Hầu hết các nền dân chủ quy định bắt buộc ứng viên phải cư trú ở địa bàn tranh cử, và nhiều khi công khai cả tài sản, thu nhập, gia đình, bên cạnh quá trình công tác chính trị và cộng đồng. Đó vừa là cách để cử tri hiểu rõ ứng viên là ai, không chỉ trên phương diện chính trị mà cả trên phương diện con người – cơ sở của lòng tin vào ứng viên để lựa chọn.

Thứ ba, khuynh hướng chính trị của ứng viên. Các đảng phái chính trị tự nó đã có các khuynh hướng chính trị, thông qua cương lĩnh. Cử tri không chỉ bầu cho ứng viên – con người cụ thể mà còn bầu cho chính đảng đó (điều này có thể khác ở những nơi một đảng nắm vai trò lãnh đạo, bởi họ không cần cạnh tranh).

Thứ tư, dự án của ứng viên hoặc chính đảng. Đó là những mục tiêu, chương trình hành động của ứng viên hoặc chính đảng. Cử tri chỉ có thể lựa chọn đúng ứng viên đại diện cho mình khi mối quan tâm của cử tri chính là mục tiêu của các ứng viên. Và mục tiêu đó chỉ thuyết phục được cử tri khi nó có kế hoạch, có biện pháp để thực hiện một cách khả thi.

Chính khuynh hướng và dự án chính trị làm cho bầu cử thoát khỏi ý nghĩa như là sự trình diễn hình ảnh nhân vật, hay cuộc thi diễn xuất trên sân khấu điện ảnh. Chúng ta vẫn hay nhìn nhận cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ như cuộc trình diễn của Hollywood, nhưng chưa từng có siêu sao điện ảnh nào đắc cử Tổng thống Mỹ. Chỉ có một người duy nhất từng là diễn viên, nhưng lại là diễn viên hạng hai.

Cuộc thảo luận về các khuynh hướng, dự án chính trị chính là yếu tố làm nóng không khí chính trị của các xã hội dân chủ. Thông qua thảo luận, người dân hiểu rõ hơn về tổ chức chính trị, sự vận hành của hệ thống chính trị, về các đảng phái, về các ứng viên, về dự án và tính khả thi của dự án. Nếu bản thân người dân không hiểu, họ sẽ được “hỗ trợ” từ đối thủ chính trị của ứng viên. Vì khi cuộc bầu cử là cuộc cạnh tranh giữa các đảng phái, nếu một đảng chỉ ra điểm yếu của đối thủ thì đảng đó có thêm cơ hội thắng cử. Khi cử tri hiểu rõ những điều đó, lá phiếu của họ sẽ chính xác hơn.

Tất nhiên, cuộc thảo luận đó không thể thiếu các cơ quan truyền thông. Nó không chỉ bộc lộ quan điểm của mình mà còn là diễn đàn để các bên thảo luận. Dù với vai trò nào, truyền thông có khả năng tác động tới kết quả bầu cử. Nếu truyền thông nằm trong tay chính phủ đương nhiệm, về nguyên tắc khó có một cuộc bầu cử công bằng.

Một cuộc bầu cử đáp ứng đủ những yêu cầu trên đây cũng là một cuộc bầu cử tốn kém về thời gian và tiền bạc. Như cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ mới đây tiêu tốn tới 6 tỷ USD.

Về bản chất, số tiền đó không mất đi, mà chỉ là sự luân chuyển giữa các thành phần của xã hội Mỹ. Đổi lại, nó giúp người dân Mỹ lựa chọn đúng ứng viên đáp ứng mong mỏi của mình trong một cuộc cạnh tranh bình đẳng giữa các ứng viên.

Đó là lý do mà các cuộc bầu cử ở Mỹ luôn được hâm nóng trong thời gian dài, được theo dõi sát sao trong thời gian bầu cử bởi ngay cả những cư dân ngoài nước Mỹ.

Vì không ai biết trước ý chí của nhân dân, dù có vô số cuộc thăm dò xã hội học. Nó trái ngược với những cuộc “bầu cử” mà người chiến thắng, chính đảng chiến thắng được biết trước, thậm chí được sắp đặt trước, nên tất nhiên cũng xứng đáng được quan tâm hơn.

Hồng Ngọc

 KHÔNG ĐƠN GIẢN CHỈ “YES OR NO”

Bài của ĐÀO TUẤN trên Quechoa 8/11/2012

Việt Nam chưa từng có một cuộc trưng cầu dân ý, dù hàng năm, các quyết sách liên quan đến “vận mệnh quốc gia” vẫn được quyết đều đều.

Nhân dân đáng lẽ có quyền quyết định những dự án như Bauxite Tây Nguyên, Đường sắt cao tốc, Điện hạt nhân. Người dân Hà Tây, Hà Nội đáng lẽ có quyền được trưng cầu về việc sáp nhập Thủ đô. Rồi thì dân Quảng Nam, Đồng Nai, cũng đáng lẽ có quyền có ý kiến về những dự án thủy điện đang đe dọa nguồn nước, rừng cây, sinh kế, đến những vấn đề phạm trù “môi trường sống”. Khi mà chúng ta đáng lẽ phải trưng cầu dân ý đối với những vấn đề liên quan đến đất nước, đến nhân dân nhiều như vậy.
Chữ “đáng lẽ” được Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp Đinh Xuân Thảo dùng, như ông cũng thẳng thắn trả lời nguyên nhân việc trưng cầu dân ý chưa bao giờ được thực hiện trên thực tế là bởi “Chúng ta chưa coi trọng”.
Mà trưng cầu dân ý thì thuộc về phạm trù “dân chủ trực tiếp”, thuộc về vấn đề quyền công dân.
Hôm qua, một số ý kiến đã “việt vị” khi đánh giá quy định này là “mới”.
Trưng cầu dân ý, hay bỏ phiếu toàn dân, từ năm 1898 đã diễn ra ở Canada liên quan đến việc Chính phủ muốn cấm rượu mạnh. Ở Việt Nam, Điều 21 của bản Hiến pháp đầu tiên năm 1946 quy định rất rõ ràng: Nhân dân có quyền phúc quyết về Hiến pháp và những việc có liên quan đến vận mệnh quốc gia (Do Quốc hội quyết định). Quy định trưng cầu dân ý được nhắc lại trong điều 53 của Hiến pháp 1959 (do Ủy ban thường vụ QH quyết định). Tới Hiến pháp 1980, nó vẫn đàng hoàng nằm trong điều 100 và việc trưng cầu do Hội đồng nhà nước quyết định. Và Hiến pháp 1992, trưng cầu dân ý được quy định trong thậm chí 2 điều: 53 và 84, với thẩm quyền quyết định là Quốc hội.
Phải liệt kê dài dòng như vậy là để thấy những quy định về dân chủ trực tiếp ở ta chả phải thiếu. Cái thiếu là ở Việt Nam chưa từng có một cuộc trưng cầu dân ý, dù hàng năm, các quyết sách liên quan đến “vận mệnh quốc gia” vẫn được quyết đều đều.
“Theo ông thì quy mô, tính chất vấn đề như thế nào bắt buộc chúng ta phải đưa ra trưng cầu dân ý?”. Lao động hôm qua đã đặt câu hỏi với một trong những tác giả của Hiến pháp, Viện trưởng Thảo. Ông Thảo nói, đúng một cách tuyệt đối: Cái này sẽ được quy định trong luật.
Có lẽ, cũng không cần nêu thêm câu hỏi “bao giờ”, bởi đó là câu hỏi mà không ai có thể trả lời cho dân chúng được.
Nhưng từ năm 1946, luật trưng cầu dân ý vẫn đang là món nợ mà chúng ta đang nợ dân, một món nợ về quyền hiến định của họ. Đó là một thực tế không thể phủ nhận. Bởi có những quy định về dân chủ trực tiếp trong hiến pháp, đạo luật “mẹ của các luật”- là một chuyện. Cái quyền đó có được thực hiện trong thực tế hay không lại là câu chuyện hoàn toàn khác.
Trước Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban tư pháp Nguyễn Đình Quyền nói trưng cầu đơn giản chỉ là việc “yes or no” (đồng ý hay không đồng ý) và nhiều nước trên thế giới, việc trưng cầu dân ý đã thành truyền thống. Nhưng để việc người dân có thể đồng ý hay không đồng ý, trước hết lại không phụ thuộc vào việc họ “yes or no”, mà phụ thuộc vào việc “chúng ta” có đồng ý hay không đồng ý, phụ thuộc vào việc chúng ta “yes or no” thời điểm món nợ với dân đang lần lữa suốt 66 năm nay.

Theo blog ĐT

ỦNG HỘ QUAN ĐIỂM “KINH TẾ NHÀ NƯỚC GIỮ VAI TRÒ CHỦ ĐẠO”

Bài của pv PHAN THẢO trên SGGPO 6/11/2012

 Sáng nay, 6-11, Quốc hội thảo luận ở tổ về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992; Dự thảo Nghị quyết về việc lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Làm rõ khái niệm quyền lực nhà nước

Liên quan đến Điều 2, Hiến pháp năm 1992 xác định “Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và tầng lớp trí thức…”.

Qua thảo luận, có hai loại ý kiến, loại ý kiến thứ nhất đề nghị tiếp tục giữ nội dung quy định tại Điều 2, chỉ thay từ “tầng lớp” bằng từ “đội ngũ” để khẳng định bản chất công – nông – trí của Nhà nước ta. Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 tán thành loại ý kiến thứ nhất và đã thể hiện tại Điều 2 của Dự thảo.

Tại phiên thảo luận sáng nay, đại biểu Huỳnh Minh Thiện (TPHCM) tán đồng với ý kiến của Ủy ban, đề nghị giữ nguyên điều 2 của Hiến pháp hiện hành để đề cao vai trò của đội ngũ trí thức.

Tuy nhiên, cũng về nội dung này, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (TPHCM) lại thiên về loại ý kiến thứ hai đề nghị sửa quy định này thành: “Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là khối đại đoàn kết toàn dân tộc…” để thể chế hóa quan điểm của Đảng về đại đoàn kết toàn dân tộc với vai trò là động lực của phát triển xã hội.

Đại biểu Võ Thị Dung (TPHCM) cũng đề nghị sửa quy định này thành: “Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là khối đại đoàn kết toàn dân tộc…” nhưng thêm “nòng cốt là công – nông – trí”.

Có nên đưa thiết chế hiến định độc lập Kiểm toán Nhà nước vào Hiến pháp?

Hiến pháp sửa đổi lần này bổ sung hai thiết chế hiến định độc lập là Hội đồng bầu cử quốc gia và Kiểm toán Nhà nước. Trong đó, việc thành lập Hội đồng bầu cử quốc gia nhằm góp phần thể hiện tính khách quan trong chỉ đạo tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND; hiến định địa vị pháp lý của Kiểm toán Nhà nước trong Hiến pháp để tăng cường vị thế và trách nhiệm của cơ quan Kiểm toán Nhà nước.

Tuy nhiên, theo ý kiến của đại biểu Huỳnh Minh Thiện (TPHCM), Hiến pháp là nơi chế định những vấn đề lớn về bộ máy Nhà nước, những vấn đề hết sức cơ bản về quyền công dân, vì vậy việc đưa chế định hai cơ quan này vào Hiến pháp là không cần thiết, mà có thể đưa vào các văn bản khác. Đại biểu Trần Thanh Hải (TPHCM) cũng cho rằng không nên đưa thiết chế hiến định độc lập là Kiểm toán Nhà nước vào Hiến pháp.

 Đại biểu Trần Du Lịch (TPHCM) trao đổi với báo chí sáng nay. Ảnh: Phan Thảo

Ngược lại với quan điểm này, đại biểu Trần Du Lịch (TPHCM) lại cho rằng, cần nâng địa vị pháp lý của kiểm toán Nhà nước lên thành một hiến định trong Hiến pháp. Đây là cơ quan do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, có chức năng kiểm toán việc quản lý, sử dụng nguồn lực tài chính và tài sản quốc gia. Tôi ủng hộ đưa vào Hiến pháp.

Ủng hộ khẳng định trong Hiến pháp “kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo”

Về cách thể hiện các thành phần kinh tế trong Hiến pháp (Điều 55), hiện có hai loại ý kiến. Loại ý kiến thứ nhất đề nghị nêu thành phần kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài và xác định vị trí, vai trò của từng thành phần kinh tế. Quy định như vậy để làm rõ hơn tính chất của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN.

Loại ý kiến thứ hai đề nghị không nêu cụ thể tên các thành phần kinh tế mà chỉ xác định các thành phần kinh tế là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế để bảo đảm tính khái quát, ổn định cao của Hiến pháp khi cơ cấu của nền kinh tế có thể thay đổi, đồng thời, thể hiện sự bình đẳng và cạnh tranh giữa các thành phần kinh tế trong nền kinh tế thị trường

 Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 tán thành loại ý kiến thứ nhất, khẳng định kinh tế Nhà nước giữ vai trò chủ đạo (thể hiện tại Điều 55 của Dự thảo). Tuy nhiên, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (TPHCM) thì có nên ghi kinh tế Nhà nước là chủ đạo trong Hiến pháp hay không, cần tính lại.

Ngược lại với quan điểm của bà Phạm Khánh Phong Lan, đại biểu Lê Đông Phong (TPHCM) đồng ý như dự thảo cần nêu rõ kinh tế Nhà nước là chủ đạo.

Đại biểu Võ Thị Dung (TPHCM) cho rằng, để Hiến pháp ổn định lâu dài, không nên liệt kê hết các thành phần kinh tế, nhưng đồng ý phải khẳng định kinh tế Nhà nước là chủ đạo. Đại biểu  Huỳnh Thành Đạt (TPHCM) cũng cho rằng nên ghi kinh tế Nhà nước là chủ đạo. Vì có kinh tế Nhà nước thì mới có điều kiện để thực hiện nền kinh tế theo định hướng XHCN.

Phải làm rõ ngân sách Trung ương và địa phương

Theo đại biểu Trần Du Lịch (TPHCM), sửa đổi Hiến pháp lần này phải làm rõ ngân sách Trung ương, địa phương, không được gọi chung chung là ngân sách Nhà nước như lâu nay. Phải quy định quyền tự chủ của chính quyền về ngân sách, cái gì của địa phương là của địa phương, phải rạch ròi ra thì mới tái cơ cấu đầu tư công được. Phải làm rõ ngân sách Nhà nước khác với ngân sách quốc gia. Nếu cứ chung chung như hiện nay thì không thể làm tốt được”.

Quốc hội không thể quyết định chính sách tiền tệ như Hiến pháp hiện hành. Tiền tệ phải là do Chính phủ quyết. Hiến pháp sửa đổi cũng không làm rõ điều này. Quyền lực lớn nhất của Quốc hội là lập pháp, tất cả thế hiện qua luật. Không nên để Quốc hội quyết chính sách tiền tệ, rất không ổn. Hiến pháp sửa đổi cần làm rõ điều này.

Cũng theo đại biểu Trần Du Lịch, dù đã thảo luận rất nhiều nhưng nội dung chính quyền địa phương gần như chưa được đề cập trong Hiến pháp sửa đổi. Tổ chức đô thị như thế nào cũng chưa được đề cập. Phải xác định chính quyền địa phương là ai, phải làm rõ thì mới tự quản địa phương được.

Đề nghị miễn học phí cho Trung học cơ sở?

Đại biểu Trần Thanh Hải (TPHCM) tâm đắc Điều 15 về “quyền con người, quyền công dân được Nhà nước và xã hội thừa nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật”. Cùng với đó, Điều 36  của Hiến pháp sửa đổi khẳng định “công dân có quyền được bảo đảm an sinh xã hội.  Nhà nước và xã hội có trách nhiệm giúp đỡ người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, người nghèo. Nhà nước có chính sách ưu đãi, hỗ trợ để bảo đảm đời sống cho người có công với nước và gia đình họ” thể hiện sự tiến bộ vượt bậc.

Trong khi đó, về quyền học tập theo ông Trần Thanh Hải lại là một bước lùi. Dự thảo chỉ thể hiện “học sinh có năng khiếu được Nhà nước và xã hội tạo điều kiện học tập để phát triển tài năng. Trẻ em khuyết tật và những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được Nhà nước và xã hội tạo điều kiện học văn hoá và học nghề phù hợp. Hiến pháp hiện hành quy định tiểu học không phải đóng học phí. Nhưng lần này không thể hiện. Để xã hội phát triển được thì học vấn rất quan trọng, đề nghị phải thể hiện trong Hiến pháp học THCS cũng phải được miễn học phí.

Đại biểu Huỳnh Thành Đạt (TPHCM) đồng ý với đại biểu Trần Thanh Hải. Về lâu dài, giáo dục phổ thông là giáo dục bắt buộc, đó là trách nhiệm của Nhà nước, gia đình. Vì vậy, cần tính đến việc miễn học phí của giáo dục phổ thông.

Đại biểu Huỳnh Thành Đạt (TPHCM) phát biểu tại thảo luận tổ sáng nay. Ảnh: Phan Thảo

Nhiều đại biểu Quốc hội khối tư pháp cho rằng ở Điều 33, “Hiến pháp ghi: không ai bị kết án hai lần vì một tội phạm” là chưa chuẩn xác. Phải là “không ai bị kết án hai lần vì một hành vi tội phạm”.

PHAN THẢO

QUỐC HỘI KHÔNG THỂ MŨ NI CHE TAI ĐƯỢC MÃI!

Bài của Nhà văn Võ Thị Hảo trên  QC 12/11/2012

 Quốc hội khóa 13 đang nhóm họp và đi được ba phần tư thời lượng của kỳ họp thứ tư, trong bối cảnh ở ngay Thủ đô Hà Nội, nơi các vị dân biểu đang ngồi bàn chính sách, xây sửa luật, hàng ngày vẫn đổ tới hàng dòng người khiếu nại mà trong đó có nhiều dân oan trong cả nước tới để biểu tình.

Nhân dịp này, tôi xin thẳng thắn góp ý với các vị dân biểu đang ngồi trong Quốc hội và cơ quan quyền lực mang tiếng là của dân, do dân, vì dân này rằng đã tới lúc các vị không thể mũ ni che tai được nữa, mà hãy lên tiếng về chuyện dân oan bị ngược đãi ra sao và tìm phương cách giải quyết tận gốc khiếu nại của họ cũng như nạn bạo hành chống họ.

Như các vị thấy, người có lương tâm sẽ không bao giờ quên cái chết thảm khốc trong ngọn tự thiêu của bà Đặng Thị Kim Liêng trước trụ sở UBND tỉnh Bạc Liêu ngày 30/7/2012. Theo người thân của bà và công luận, bà tự thiêu để bày tỏ sự phẫn uất trước việc gia đình bà bị oan khuất, bị truy bức và phản đối việc giam giữ blogger Tạ Phong Tần – người con gái vô tội của bà.

Cuộc tự thiêu của người mẹ ấy, cũng như những cuộc tự thiêu trước đó, cùng bao nhiêu cái chết tức tưởi của dân oan dường như không mảy may động tâm các nhà chức trách. Ngày 24/9/2012, tòa án NDTPHCM đã tuyên cô con gái vô tội của bà một bản án nặng nề tới 10 năm tù và 5 năm quản chế khiến cho thêm một lần nữa, dư luận phải rùng mình lên tiếng.

 

SV Nguyễn Phương Uyên bị an ninh cáo buộc chống phá Nhà nước

‘Bắt cóc, xử lén, truy bức?’

Đó là ngôn từ mà người ta đã dùng đề mô tả cách hành xử của nhiều vị trong giới hành pháp và tư pháp trong những năm gần đây. Đó là việc bắt người như bắt cóc, xử người như xử lén, mở chiến dịch bôi nhọ, hãm hại họ và truy bức ngay cả gia đình nạn nhân bị oan ức. Điều đó hoàn toàn trái với Hiến pháp Việt Nam, gây những bản oan án chấn động thế giới.

Cộng đồng quốc tế đã nhiều lần lên tiếng phản đối hiện trạng trên và những bản án tàn nhẫn đối với những người dám nói lên sự thật và chính kiến như Lê Công Định, Nguyễn Tiến Trung, Cù Huy Hà Vũ, Đoàn Văn Vươn, giáo dân Thái Hà, giáo dân Cồn Dầu, dân oan Văn Giang… Gần đây, cộng đồng lại phản đối mạnh mẽ việc những bản oan án đối với nhà báo Hoàng Khương, các blogers Điếu Cày, Tạ Phong Tần, Anh Ba Sài Gòn, hai nhạc sĩ Trần Vũ Anh Bình và Việt Khang, rồi việc “lén” bắt nữ sinh viên Phương Uyên và nhiều người dân oan khác.

Ông Phil Robertson- phó Giám đốc phụ trách khu vực châu Á của tổ chức nhân quyền thế giới đã phát biểu: “…Rõ ràng đây là điều kinh khủng. Nó đi ngược lại trách nhiệm của chính phủ vể quyền con người trong đó có quyền tự do ngôn luận. Nó chỉ rõ là Việt Nam không thực hiện những cam kết về quyền con người theo tiêu chuẩn quốc tế…” Quan chức lãnh đạo thuộc Hội đồng Châu Âu Herman Van Rompuy trong cuộc họp báo với Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tại Hà Nội hôm 31/10/2012 nhấn mạnh rằng chính quyền Hà Nội nhất thiết phải tái xác nhận những cam kết cải cách bao gồm các lĩnh vực như quản lý công quyền, pháp quyền, và nhân quyền. Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội lại thêm một lần đề nghị Việt Nam phải tôn trọng quyền tự do ngôn luận của công dân và kêu gọi Việt Nam phải tuân thủ các nghĩa vụ với quốc tế, trả lại tự do cho các tù nhân lương tâm…

 

Tác giả nêu bài học quá khứ để cảnh báo về nạn bạo hành của chính quyền với dân hiện nay

Hiệu ứng dội ngược của đàn áp

Như các vị biết rõ hơn ai hết, ít nhất Hiến pháp Việt Nam hiện hành, tại điều 69, Chương V đã ghi rõ: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí; có quyền được thông tin; có quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật.” Như thế, cần phải khẳng định, như đạo luật gốc và cơ bản nhất này, rằng những người biểu tình, bày tỏ chính kiến, lập hội đều vô tội, đấy là chưa kể hành vi của họ là ôn hòa, hòa bình.

Lịch sử thế giới cũng như lịch sử VN đã minh chứng rằng bất kỳ chính thể nào lạm dụng bộ máy đàn áp, vi phạm quyền tự do dân chủ của công dân, cũng đều tạo hiệu ứng “tức nước vỡ bờ”.

Trong lịch sử phong kiến Việt Nam có những triều vua tàn bạo. Vua Lê Long Đĩnh giết anh giành ngôi, hiếu sát đến bệnh hoạn, róc mía trên đầu sư cho đổ máu mà vỗ tay cười khoái trá, ông ta chỉ trị vì được năm rồi mất ngôi. Triều nhà Nguyễn như các vua Minh Mệnh, Thiệu Trị, Tự Đức luôn dùng các hình phạt tàn bạo hòng giữ ngôi vị. Các vị càng nghiên cứu lịch sử nước nhà, sẽ càng thấy vận mệnh của người dân Việt trải qua bao đời cai trị trước nay thật khốn khổ không lời nào tả xiết. Nhưng có một kết cục không thể tránh khỏi, là bất cứ sự bạo tàn nào cũng tạo ra phản ứng dội ngược, chỉ càng buộc những người dân bị truy bức cùng đường phải cảm tử đứng lên bảo vệ quyền sống của mình.

Thế nhưng, trong khi nghiên cứu về những triều vua có các cử chỉ khét tiếng tàn bạo ấy, lại thấy rằng dẫu bạo tàn đến đâu, nhiều khi họ còn biết nghe lời nói thẳng của những gián quan hoặc người dân. Bản điều trần tháng 5/1866 của Giáo sĩ Nguyễn Trường Tộ gửi vua Tự Đức – một ông vua từng tru di tam tộc, chém treo nghành, tùng xẻo, cho voi giày ngựa xé nhiều tội nhân – có những lời hết sức bộc trực và tôi đề nghị các vị hãy tham khảo, suy ngẫm nó và để đừng lãng phí bài học tiền nhân:

“Hiện nay tình hình trong nước rối loạn… quan tham lại nhũng xưng hùng xưng bá tác phúc tác oai, áp bức tàn nhẫn kẻ cô thế, bòn rút mỡ dân, đục khoét tủy nước, việc đó đã đã xảy ra lâu rồi… Đối ngoại thì không có cách nào để động đến một mảy may lông của quân Pháp mà cũng chẳng thuyết phục được ai giải vây cho, lại đi tàn sát nhân dân mình, giận cá chém thớt. Khiến cho dân bị cái hại “cháy nhà vạ lây”. Thật đúng như câu nói : “đào ao đuổi cá”, “nối giáo cho giặc.”

Vua Tự Đức đã đủ tỉnh táo để không bỏ tù hoặc giết chết Nguyễn Trường Tộ vì lời nói thẳng, hẳn rằng ông còn nghĩ đến cái liêm sỉ của kẻ chăn dân. Chỉ tiếc rằng ông không đủ sáng suốt để làm theo kế sách cải cách của Nguyễn Trường Tộ nên trong thời ông trị vì đã đã có tới hơn bốn mươi cuộc khởi nghĩa, dẫn đến kết cục mất nước.

 

Các vụ cưỡng chế đất sai trái và bạo lực gây ra nhiều khiếu nại và ức chế đối với người dân

Đại biểu phải trung thành với Hiến pháp

Theo quy định tại điều 83 và 84 – chương V về Quyền lực và trách nhiệm của Quốc hộiQH): “Quốc hội thực hiện quyền giám sát tối cao đối với toàn bộ hoạt động của Nhà nước”; “Thực hiện quyền giám sát tối cao việc tuân theo Hiến pháp, luật và nghị quyết của Quốc hội; xét báo cáo hoạt động của Chủ tịch nước, Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao”. Luật bầu cử Quốc hội cũng quy định đại biểu QH phải trung thành với Hiến pháp. QH khóa XIII hiện nay có tới khoảng 500 đại biểu- một lực lượng rất đông đảo.

Để xảy ra hiện trạng giặc nội xâm tham nhũng và dân oan trầm trọng như hiện nay, đương nhiên tôi nghĩ, không thể không đề cập tới trách nhiệm giám sát và ngăn chặn của Quốc hội. Và ai cũng biết rằng, bất kỳ ai tại chức mà không thực thi trách nhiệm và bổn phận, là bội tín sứ mạng mà họ đã nhận trước nhân dân và đất nước.

Tất cả những hành vi bắt bắt bớ, giam cầm, truy bức, xử án và kết tội oan không những trái Hiến pháp và pháp luật mà còn làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự của những người có trách nhiệm và của chính thể này.

Không những thế, dư luận càng thắc mắc về vô số những lá thư, những đơn kêu cứu, thế nhưng kiến nghị khẩn thiết và đầy trách nhiệm lên nhiều cá nhân, cơ quan, tổ chức, hầu hết đều không được trả lời.

Mặc dù trước tình trạng “im lặng đáng sợ”, thậm chí bị bôi nhọ, bị đe dọa, thiệt hại cho quyền lợi bản thân, thậm chí nhiều trí thức, nhân sỹ, quần chúng tham gia các cuộc biểu tình như chống Trung Quốc đe dọa chủ quyền, đòi bảo vệ Biển Đảo, phản đối hàng hóa độc hại của Trung Quốc… còn bị đông đảo kẻ núp bóng côn đồ đến hành hung, dọa nạt, nhưng điều đáng mừng là ngày càng nhiều người dân, đặc biệt là những trí thức trung thực bày tỏ chính kiến về hiện trạng trên. Điều đó chứng tỏ người VN không phải ai cũng “bán” linh hồn.

 

Các quan chức lãnh đạo cao cấp nhất của Đảng và Nhà nước Việt Nam đều là đại biểu quốc hội

Hãy thực thi trách nhiệm trước dân oan

Ngày 30/10/2012, hơn một trăm trí thức, nhân sỹ, quần chúng đã gửi kiến nghị phản đối việc nữ sinh viên vô tội Nguyễn Phương Uyên bị bắt giam như “bắt lén” và yêu cầu trả tự do cho cô. Cũng tại lá đơn này này, họ buộc lòng nhắc lại điều mà chính họ đã nhiều lần ghi trong các thư ngỏ và kiến nghị lên lãnh đạo Việt Nam trước đây, yêu cầu “chấm dứt các hành động trấn áp, quy kết tùy tiện đối với người dân biểu tình yêu nước…”; đồng thời kêu gọi “xem xét, rà soát lại những bản án đã xử rất nặng những người yêu nước biểu tỏ sự bất đồng chính kiến bằng tư tưởng mà không có hành vi bạo động nào nguy hại đến lợi ích quốc gia như người ta đã quy kết. Những bản án đó chính là sự phá hoại uy tín của nhà nước, bôi xấu hình ảnh của Việt Nam trước thế giới… Càng quay cuồng với bạo lực và trấn áp càng bộc lộ tính phi nhân nghĩa…”

Và ngày 31/10/2012, Luật sư Hà Huy Sơn, mặc dù đã phải chịu rất nhiều sức ép khi ông đã dũng cảm đứng ra làm luật sư bào chữa cho những người vô tội trong nhiều phiên tòa xử người bất đồng chính kiến, nhưng vẫn có văn bản kiến nghị QH đề nghị sửa đổi bổ sung điều 284 Bộ luật Tố tụng Dân sự. Ngày 4/11 năm 2012, Luật sư Ngô Ngọc Trai- Đoàn luật sư Nam Định, đã gửi đơn kiến nghị lên Chủ tịch nước, QH, Bộ trưởng công an, thủ trưởng cơ quan điều tra các cấp, các luật sư Việt Nam và các cơ quan báo chí, khẩn thiết đề nghị chấn chỉnh hoạt động lạm dụng bắt giam và hỏi cung của cơ quan điều tra để tránh oan sai cho người dân, tránh bức cung và nhục hình…

Trên đây là những kiến nghị hoàn toàn chính đáng, giúp giảm thiểu tình trạng dân oan. Nếu QH và những có trách nhiệm biết lắng nghe và sửa đổi, sẽ cải thiện được tình hình.

Và trong khi đó, ngoài đường phố, ngày càng nhiều người dân, trong đó có các thương binh từ nhiều miền đổ về Hà Nội và trước các cơ quan công quyền địa phương để kêu oan.

Kêu oan ở dưới cơ quan công quyền nhiều khi cũng bị đối xử như tội nhân. Vì kêu oan là nói thật. Là phơi bày một sự thật mà những kẻ có quyền lực và tiền bạc đã gây oan cho họ muốn ém nhẹm bằng mọi giá, kể cả những thủ đoạn tàn nhẫn nhất.

Thưa các vị dân biểu, người dân đã đang chịu đói khát, gối đất nằm sương, bị xua đuổi trước nhiều trụ sở tiếp dân. Họ biết mình có thể bị đánh đập, bị tù đày, có thể cả cái chết, thậm chí họ có tự thiêu trước trụ sở vì oan ức thì có lẽ cũng chẳng ai động lòng. Nhưng họ vẫn giương cao lá cờ từng thấm máu của họ và đồng bào họ để dựng lên chính thể này. Khi họ đòi quyền được giải oan, đòi quyền được sống như một con người, chúng ta phải cảm ơn họ, vì họ đang thực thi bổn phận của công dân và của một người yêu nước và các vị, những người mang tiếng là của họ, vì họ, do họ, cũng phải thực thi phận sự tối thiểu của mình.

Hãy làm phận sự tối thiểu của các vị đi. /.

Theo BBC

 SỬA HIẾN PHÁP: CẦN CÂN NHẮC THẨM QUYỀN CỦA CHỦ TỊCH NƯỚC

Bài của NGUYÊN VŨ trên VnEconomy 15/11/2012
 
Với dung lượng gần 15 ngàn chữ, bản tổng hợp ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 thể hiện các nội dung góp ý chi tiết đến từng điều.

Theo đó, rất nhiều nội dung còn có quan điểm khác nhau, không chỉ ở câu chữ.Đề nghị nghiên cứu nhất thể hóa chức danh

Với các ý kiến góp ý ở chương “Chủ tịch nước”, một số vị đại biểu đã đề nghị làm rõ vai trò của Chủ tịch nước, mối quan hệ giữa Chủ tịch nước và Tổng bí thư; nghiên cứu nhất thể hóa chức danh Tổng bí thư và Chủ tịch nước, làm rõ mối quan hệ giữa Chủ tịch nước với Quân ủy Trung ương.

Bên cạnh đó cần bổ sung quy định về cơ quan điều tra phòng, chống tham nhũng thuộc Chủ tịch nước.

Cũng có vị đại biểu đề nghị cân nhắc quy định giới hạn Chủ tịch nước chỉ đảm nhiệm chức vụ tối đa không quá hai nhiệm kỳ liên tiếp, đồng thời tăng quyền của Chủ tịch nước để kiểm soát quyền lực của các cơ quan khác.

Bản tập hợp cho biết, 11 ý kiến ở 6 tổ tán thành quy định về thẩm quyền của Chủ tịch nước trong việc phong hàm, cấp sĩ quan cấp cao (tướng lĩnh các cấp và bổ nhiệm chức vụ tương đương). Chỉ có 1 ý kiến khác đề nghị giữ như Hiến pháp hiện hành.

Có đại biểu đề nghị cân nhắc thẩm quyền phong hàm cấp tướng, trường hợp nào thuộc thẩm quyền của Chủ tịch nước, trường hợp nào thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Đồng thời quy định rõ các cấp bậc trong công an và việc phong quân hàm trong lực lượng công an.

3 vị đại biểu ở 3 tổ khác nhau đã cùng đề nghị quy định rõ nội hàm của việc “thống lĩnh lực lượng vũ trang” hoặc thay từ “thống lĩnh” bằng từ khác.

Lập cơ quan bảo vệ Hiến pháp?

Về việc bảo vệ Hiến pháp, có 10 ý kiến ở 7 tổ tán thành việc giao cho nhiều cơ quan có trách nhiệm bảo vệ Hiến pháp, không thành lập cơ quan chuyên trách bảo vệ Hiến pháp.

Loại ý kiến thứ hai, đề nghị có cơ quan chuyên trách về bảo vệ Hiến pháp, cũng nhận được sự đồng tình của 10 ý kiến ở 7 tổ. Bên cạnh đó cũng có một số ý kiến cho rằng, khi cần thiết thì thành lập hội đồng bảo hiến thuộc Quốc hội.

Tại tờ trình Quốc hội về dự thảo sửa đổi Hiến pháp, Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã nêu rõ quan điểm tán thành với loại ý kiến thứ nhất.

Theo Ủy ban, cần tiếp tục kiện toàn, nâng cao hiệu quả, vai trò, trách nhiệm của các cơ quan của Quốc hội, đặc biệt là Ủy ban pháp luật của Quốc hội trong việc bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của hệ thống pháp luật. Đồng thời, tiếp tục giao Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm bảo đảm tính hợp hiến của các văn bản quy phạm pháp luật do mình ban hành hoặc thuộc phạm vi kiểm tra, giám sát, quản lý của mình.

Lập luận của các ý kiến cho rằng cần thành lập Hội đồng Hiến pháp là, hội đồng này sẽ giữ vai trò là cơ quan chuyên môn do Quốc hội thành lập để giúp Quốc hội kiểm tra, kết luận về tính hợp hiến của các văn bản quy phạm pháp luật do các cơ quan ở trung ương và địa phương ban hành.
 
Trường hợp phát hiện có vi phạm Hiến pháp thì yêu cầu cơ quan ban hành văn bản sửa đổi, bổ sung hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền hủy bỏ văn bản. Đây là việc làm cần thiết nhằm thực hiện chủ trương của Đại hội IX và X về việc xây dựng cơ chế phán quyết về những vi phạm Hiến pháp trong hoạt động lập pháp, hành pháp, tư pháp, bảo đảm khắc phục những hạn chế, khiếm khuyết của cơ chế bảo vệ Hiến pháp hiện hành.

Cân nhắc vai trò kinh tế nhà nước

Liên quan đến nội dung còn nhiều tranh cãi về các thành phần kinh tế và vai trò của kinh tế nhà nước, theo tổng hợp, 12 ý kiến ở 8 tổ tán thành quy định tên các thành phần kinh tế trong Hiến pháp. Tuy nhiên, 9 ý kiến ở 8 tổ lại đề nghị không nêu tên cụ thể các thành phần kinh tế trong Hiến pháp, vì vậy nên bỏ đoạn “Kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo. Kinh tế tập thể với các hình thức hợp tác được củng cố và phát triển. Kinh tế tư nhân là một trong những động lực của nền kinh tế. Kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được khuyến khích phát triển”.

Một số vị đại biểu cũng đề nghị cân nhắc, xác định vị trí, vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước.

Liên quan đến thời gian lấy ý kiến nhân dân, có đến 10 ý kiến tại 7 tổ đề nghị nên tăng. Cụ thể, nên kéo dài thêm 1 đến 2 tháng, từ ngày 1/12/2012 đến 1/4/2013, cũng có ý kiến cho rằng cần ít nhất 6 tháng để thực hiện việc này.

Chiều 15 và cả ngày 16/11, Quốc hội sẽ thảo luận tại hội trường về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và dự thảo nghị quyết về việc lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp

Ba tháng đầu năm 2013 sẽ là thời gian dành để lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết tại buổi họp báo công bố chương trình kỳ họp Quốc hội thứ tư, chiều 19/10.

Hoạt động lập hiến cũng được nhấn mạnh là nội dung rất quan trọng của kỳ họp này, với hai ngày thảo luận tại hội trường về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và nghị quyết về việc lấy ý kiến nhân dân về nội dung này.

Ông Phúc cho biết, cử tri cả nước có thể theo dõi các phiên thảo luận này qua phát thanh và truyền hình trực tiếp.

Tài liệu được cung cấp tại buổi họp báo cho biết, Hiến pháp năm 1992 cần được sửa đổi nhằm bảo đảm đổi mới đồng bộ cả về kinh tế và chính trị, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, bảo đảm tốt hơn quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, tích cực và chủ động hội nhập quốc tế, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ tổ quốc trong thời kỳ mới.

Được khai mạc ngày 22/10 và dự kiến bế mạc ngày 22/11, kỳ họp Quốc hội thứ tư sẽ dành 16 ngày để xem xét, thông qua 9 dự án luật và 2 nghị quyết, cho ý kiến dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và 6 dự án luật khác, dành 10 ngày để nghiên cứu, thảo luận về các báo cáo kinh tế, xã hội, ngân sách, giám sát….

Một trong những đổi mới được nhấn mạnh trong hoạt động giám sát là Quốc hội sẽ nghe một phó thủ tướng báo cáo về kết quả thực hiện lời hứa của các thành viên Chính phủ qua chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ hai và thứ ba của Quốc hội.

Trả lời câu hỏi của VnEconomy về chế tài với những lời hứa không được thực hiện, ông Phúc cho biết đây sẽ là căn cứ để từ năm 2013 Quốc hội tiến hành lấy phiếu tín nhiệm với các chức danh Quốc hội bầu và phê chuẩn.

Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn cũng sẽ được Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp này.

Đây cũng là một trong nhiều nội dung được phát thanh, truyền hình trực tiếp trong 13 buổi (tăng 5 buổi so với kỳ họp thứ 3) cùng với các phiên thảo luận về dự án Luật phòng chống tham nhũng, dự án Luật Đất đai (sửa đổi), chất vấn và trả lời chất vấn, thảo luận về kinh tế, xã hội…

 

 

 


Bình luận về bài viết này

Chuyên mục