Đăng bởi: ngothebinh | Tháng Mười Một 14, 2012

20121114. BÀN VỀ NHẬN DIỆN VÀ CÁCH CHỐNG “NHÓM LỢI ÍCH”

“LỢI ÍCH NHÓM” VÀ CẢI CÁCH THỂ CHẾ

Bài của NGUYÊN THẢO trên VNEconomy 04/09/2012

Nhóm lợi ích ở Việt Nam rất đa dạng, phức tạp và chưa được xác định rõ – Minh họa: Khều.

“Từ bất ổn vĩ mô đến con đường tái cơ cấu” là tên gọi bản báo cáo về kinh tế vĩ mô 2012, được Nhóm Tư vấn chính sách kinh tế vĩ mô thực hiện trong khuôn khổ dự án “Hỗ trợ nâng cao năng lực tham mưu, thẩm tra và giám sát chính sách kinh tế vĩ mô” do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội chủ trì, với sự tài trợ của Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc tại Việt Nam (UNDP).

Báo cáo gồm 7 chương, do TS. Tô Trung Thành và ThS. Nguyễn Trí Dũng chủ biên, được xây dựng hàng năm với cách viết “thân thiện” với Đại biểu Quốc hội và các nhà hoạch định chính sách, nhằm tổng kết và đánh giá diễn biến tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam và thế giới, phân tích chuyên sâu một số vấn đề và chính sách kinh tế vĩ mô nổi bật trong năm, đồng thời thảo luận những vấn đề mang tính trung và dài hạn đối với nền kinh tế, từ đó đưa ra các khuyến nghị chính sách thiết thực (độc giả có thể tham khảo báo cáo đầy đủ trên trang web của Ủy ban Kinh tế Quốc hội tại địa chỉ http://www.ecna.gov.vn).

Dưới tiêu đề “Đổi mới tư duy và cải cách thể chế những yêu cầu từ thực tiễn”, TS. Lê Đăng Doanh, ngay trong phần mở đầu Chương 7 của báo cáo này, đã nhắc lại lời của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Trung ương lần thứ 3, rằng phải khắc phục “tư duy nhiệm kỳ” và “lợi ích nhóm” trong đầu tư công trong chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và chính sách đầu tư.

Thời gian gần đây, hai khái niệm này cũng đã được nhắc đến ở không ít diễn đàn, như là một lực cản trong quá trình tái cơ cấu nền kinh tế và sự phát triển của đất nước.

Trong bài viết gửi đến VnEconomy ngay trước phiên khai mạc Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 11 vào đầu năm 2011, TS. Trần Du Lịch cũng đã nhận định, đổi mới thể chế kinh tế là việc làm tốn kém ít, hiệu quả cao. Nhưng ở một diễn đàn sau đó về tái cơ cấu nền kinh tế, ông đã phải nhấn mạnh rằng việc này cũng khó làm nhất, vì liên quan đến lợi ích của từng địa phương, từng ngành và từng nhóm lợi ích.

Còn mới đây, khi chất vấn Tổng thanh  tra Chính phủ về yếu kém trong phòng chống tham nhũng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Đình Quyền cũng đặt vấn đề: “Năng lực không thiếu, tổ chức bộ máy không thiếu, quyết tâm không thiếu nhưng vẫn không phát hiện được tham nhũng, phải chăng có vấn đề về lợi ích nhóm, về bao che trong đội ngũ cán bộ?”.

Trở lại với bài viết của TS. Lê Đăng Doanh, đặt trong yêu cầu cần khắc phục lợi ích nhóm và tư duy nhiệm kỳ để cải cách thể chế, ông phân tích một điển hình của mô hình tăng trưởng theo chiều rộng hiện nay, đó là tất cả các tỉnh, thành đều chạy theo chỉ tiêu tăng trưởng thật cao, càng cao chứng tỏ tinh thần cách mạng tiến công, sự sáng tạo, chủ động của lãnh đạo địa phương càng lớn.

Chính vì vậy, nên tỉnh nào cũng lập khu, cụm  công nghiệp, bến cảng, sân bay với hiệu quả rất thấp về kinh tế – xã hội, nhưng lại rất có lợi cho lợi ích nhóm, ăn chênh lệch giá đất. Nếu không  thay đổi tư duy này và các luật có liên quan như Luật Đất đai thì khó có thể tác động đến “tư duy nhiệm kỳ” và “lợi ích nhóm”.

Dành khá nhiều dung lượng để nói về khái niệm thứ hai, ông Doanh dẫn định nghĩa của Wikipedia tiếng Việt, “nhóm lợi ích” là một tập thể gồm nhiều cá nhân, tổ chức cùng chia sẻ một mối quan  tâm chung và cùng nhau thúc đẩy các mục tiêu đó bằng cách tác động  vào các chính sách của chính phủ. Là những nhóm vận động hành lang hay cửa hậu (lobby) để tạo ra hay thay đổi những luật lệ và cách thực thi có lợi cho phe nhóm mình, nhằm tạo dựng một vài đặc quyền, đặc lợi để thụ hưởng.

Ở các nước có luật về lobby, các nhóm lợi ích hình thành và hoạt động công khai như nhóm doanh nghiệp, tài chính – ngân hàng, công đoàn, hiệp hội, truyền thông,… nhằm tác động tới các chính sách của Quốc hội và Chính phủ một cách công khai và hợp pháp. Họ vận động qua nhiều kênh khác nhau, sử dụng các chuyên gia và công ty tư vấn.

Còn ở Việt Nam, theo quan sát của ông Doanh, vì những lý do về thể chế, pháp luật và truyền thống nhóm lợi ích ở Việt Nam chưa có kênh tác động chính thức đến quá trình soạn thảo, ban hành luật pháp của Quốc hội và chính sách của Chính phủ, quá trình vận động chưa được công khai và luật hóa, nên nhóm lợi ích ở Việt Nam rất đa dạng, phức tạp và chưa được xác định rõ.  

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng là người đầu tiên đã công khai nêu đích danh “nhóm lợi ích” trong bài phát biểu kết thúc Hội nghị lần thứ 3 Ban Chấp hành Trung ương Đảng ngày 10/10/2011, vị chuyên gia này nhấn mạnh.

Tuy nhiên, theo nhìn nhận của ông Doanh thì, lợi ích nhóm ở Việt Nam có đặc trưng là liên quan đến những người  có chức, có quyền, nhất là quyền liên quan đến cán bộ, tài chính, ngân sách, đầu tư, đất đai, hầm mỏ, rừng, biển… Những hoạt động này len lỏi cả vào các hoạt động rất trí thức và cao sang như nghiên cứu khoa học, cấp bằng, mua điểm, chấm luận án.

Ông Doanh cũng “khen” những nhóm lợi ích ở Việt Nam hoạt động rất linh hoạt, theo từng vụ, việc, vây quanh một số cá nhân nhất định. Lợi dụng tính thiếu công khai, minh bạch, các nhóm lợi ích thường tiếp xúc theo “quan hệ” cá nhân, với chất kết dính là lợi ích tiền bạc. Ông lấy một câu “thành ngữ” hiện đại nhằm thể hiện các nhóm lợi ích như sau: “Thứ nhất tiền tệ, thứ nhì hậu duệ, thứ ba quan hệ, thứ tư mới đến trí tuệ” để mô tả nhóm lợi ích trong bổ nhiệm cán bộ. Lợi ích càng lớn thì nhóm lợi ích hoạt động càng mạnh. Luật pháp càng lỏng lẻo hay quyền lực ít bị giám sát thì nhóm lợi  ích hoạt động càng trắng trợn, liều lĩnh.

“Nhóm lợi ích ở Việt Nam hoạt  động trong một không gian chủ yếu phi chính thức, bất hợp pháp, trong không ít trường hợp có quan hệ đến buôn lậu hay các hoạt động có tính chất phạm pháp ở mức độ khác nhau. Việc xác định bản chất, hình thức, phạm vi hoạt động của các loại nhóm lợi ích khác nhau cần được đầu tư, nghiên cứu thêm trong thời gian tới để làm rõ những lỗ hổng hay khe hở luật pháp để các nhóm lợi ích lợi dụng”, ông viết.

Đề nghị này của ông Doanh có lẽ cũng không còn sớm, cho dù đến tận thời điểm này, lợi ích nhóm vẫn còn là khái niệm được sử dụng khá e dè.

Mới đây, trả lời chất vấn tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cũng nói ông không muốn dùng từ “lợi ích nhóm” mà báo chí nói nhiều bởi vì bản thân dân tộc ta hay dùng từ “lợi ích cục bộ”, chúng ta đã quen dùng từ đó từ khi còn bao cấp đến giờ.

“Do vậy, có những lợi ích cục bộ điều đó cũng dễ hiểu giữa một nhóm cổ đông của ngân hàng, giữa các đối tượng khác nhau trong nhóm cổ đông đó, có thể vì quyền lợi của họ, đôi khi họ có những tranh chấp nhất định”, ông Bình nói.

Theo dõi phiên chất vấn trong vai trò cử tri, Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty TNHH Vietin, đại biểu Hội đồng Nhân dân thành phố Đà Nẵng Trương Phước Ánh đã bày tỏ ngạc nhiên khi Thống đốc không sử dụng từ “nhóm lợi ích”. Theo ông Ánh, đó chính là một thực tế và cũng là một nguyên nhân quan trọng làm “động lực” cho những tiêu cực dẫn đến những khó khăn hiện nay của nền kinh tế nói chung và hệ thống ngân hàng nói riêng.

Cũng theo vị doanh nhân này, khái niệm nhóm lợi ích hiện đang được đề cập phổ biến, được hiểu là sự chi phối tiêu cực của một nhóm người, nhóm doanh nghiệp, ngành có lợi ích tương đối thống nhất, gần gũi nhau, liên kết nhau và được thực hiện một cách bất minh thông qua những tác động chính sách mà công luận không thể giám sát được, pháp luật không điều chỉnh được. Một cách công bằng, khái niệm nhóm lợi ích phải được hiểu rộng hơn. Trong xã hội hiện đại, khi tồn tại nhiều giai tầng, nhiều ngành nghề, nhiều tuyến lợi ích đan xen, lúc thì thống nhất, lúc thì mâu thuẫn nhau về lợi ích trong việc chịu tác động của chính sách của nhà nước, thì việc tồn tại các nhóm lợi ích là một thực tế phải chấp nhận.

“Vấn đề là, cần phải nhìn nhận thực tế này để có thể có một kiến giải đúng đắn làm cơ sở cho việc xây dựng những cơ chế pháp luật theo hướng công khai, minh bạch, nhằm quản lý tác động của các nhóm lợi ích, phát huy mặt tích cực, hạn chế những tiêu cực của tác động của các nhóm lợi ích lên việc hoạch định chính sách, đồng thời bảo vệ những nhóm lợi ích yếu thế trong xã hội”, ông nói.

CHỐNG LỢI ÍCH NHÓM- PHẢI BẰNG SỨC MẠNH TỔNG HỢP

Bài của pv THẾ VINH trên Petrotimes 09/11/2012

Petrotimes có cuộc trao đổi cùng Tiến sĩ Nguyễn Hữu Nguyên xoay quanh vấn đề lợi ích nhóm – một chủ đề “nhạy cảm” gây tác động đến đời sống kinh tế xã hội của đất nước vốn đang được dư luận quan tâm nhất hiện nay.

“Không khó lắm để nhận diện các nhóm lợi ích tiêu cực – đó là những nhóm người giàu lên nhanh chóng hơn rất nhiều so với những người sản xuất, kinh doanh hợp pháp. Họ có khả năng chi phối, lợi dụng các kẽ hở của pháp luật, của sự yếu kém trong quản lý Nhà nước của cán bộ, từ đó có thể tạo ra “siêu lợi nhuận” cho các thành viên trong nhóm, bất chấp thiệt hại của Nhà nước và của nhân dân. Đó là một hình thức tham nhũng tinh vi hơn và được che đậy kín đáo hơn nên khó phát hiện hơn so với loại tham nhũng thông thường.

Điều mong mỏi nhất của người dân là cần phải loại bỏ được cơ bản “một bộ phận không nhỏ” có lợi cho nhóm lợi ích, nếu làm được điều đó thì mới phá vỡ được cấu trúc vững chắc của nhóm lợi ích, làm cho chúng tự tan rã…” – Tiến sĩ Nguyễn Hữu Nguyên (chuyên gia phân tích thuộc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế Miền Nam – SVEC) nhận định.

Thao túng!

PV:Có thể thấy rằng, lợi ích nhóm vốn không phải là mới mẻ gì ở nước ta vì đã được nói đến nhiều trong mấy năm gần đây. Theo ông, nhóm lợi ích tiêu cực ở Việt Nam hiện nay có đi theo con đường này hay không và chúng đang tồn tại ở những dạng hình thức nào?

TS Nguyễn Hữu Nguyên: Tôi cho rằng, khái niệm “nhóm lợi ích” ở Việt Nam hiện nay là một số ít người có khả năng chi phối, hoặc thao túng, điều khiển cán bộ quản lý, từ đó có những quyết định, chủ trương tạo ra “siêu lợi nhuận” cho các thành viên trong nhóm, bất chấp thiệt hại của Nhà nước và của nhân dân.

Ví dụ như lĩnh vực địa ốc, họ “lobby” để lái chủ trương chính sách theo kịch bản của họ, hoặc “móc ngoặc” để được biết trước thông tin về quy hoạch, họ mua trước với giá rất rẻ những khu đất sẽ có giá trị sau khi quy hoạch, khi công bố quy hoạch, giá đất sẽ tăng lên và khi đến mức cao nhất thì họ bán, kiếm siêu lợi nhuận. Người dân không biết thông tin nên bán rẻ, hoặc bị đền bù giải tỏa với giá thấp nên bị thiệt rất nhiều.

Tiến sĩ Nguyễn Hữu Nguyên

Các nhóm lợi ích khác cũng kiếm lời bằng cách nắm thông tin trước về chủ trương, chính sách – như trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng thì họ hưởng lợi nhờ biết trước thông tin về trần lãi suất, hay quy định về kinh doanh vàng trước khi ban hành…

PV: Theo ông, đâu là những nguyên nhân làm xuất hiện những nhóm lợi ích tiêu cực có thể tác động xấu đến nền kinh tế của đất nước? Chúng ta cần nhận diện nhóm lợi ích tiêu cực nằm ở đâu và ở lĩnh vực nào?

TS Nguyễn Hữu Nguyên: Các nhóm lợi ích muốn hình thành cần phải có hai yếu tố cơ bản. Trước hết là phải liên kết được với một số thành viên trong “một bộ phận không nhỏ” ở tầng cao để nắm thông tin trước, hoặc để “hiến kế” theo kịch bản có lợi cho một nhóm. Đồng thời, nhóm đó phải có năng lực tài chính mạnh để “đánh nhanh, thắng lớn” ngay trong giai đoạn chuẩn bị và bắt đầu ban hành chủ trương, chính sách hay thực hiện quy hoạch.

Không khó lắm để nhận diện các nhóm lợi ích – đó là những nhóm người giàu lên nhanh chóng hơn rất nhiều so với những người sản xuất, kinh doanh hợp pháp. Nhưng lại không dễ quy tội vì họ “lobby” rất “kín” và ở Việt Nam hiện nay chưa kiểm soát được thu nhập thông qua tài khoản ở ngân hàng, đồng thời luật pháp cũng chưa đòi hỏi phải chứng minh nguồn gốc tài sản nên không đủ chứng cứ để “chỉ mặt – đặt tên” cho từng nhóm.

Hình thức của các nhóm lợi ích rất đa dạng, có thể là cùng ngành nghề, có thể liên kết lâu dài, có thể chỉ hình thành “lâm thời” theo từng cơ hội kiếm lời. Nhóm lợi ích không hình thành bộ máy điều hành, không có nhóm trưởng nhưng gắn kết với nhau rất chặt chẽ bằng lợi ích kiếm được do có đặc quyền.

PV: Mối quan hệ giữa nhóm lợi ích tiêu cực và nạn tham nhũng cần được hiểu ra sao, thưa ông?

TS Nguyễn Hữu Nguyên: Tôi cho rằng, nhóm lợi ích và tham nhũng có mối quan hệ “hữu cơ” với nhau. Những người có chức, có quyền giữ vai trò cung cấp thông tin cho một nhóm thuộc gia đình và người thân của họ.

Trong kinh tế thị trường ngày nay, thông tin về chủ trương, chính sách là lợi thế hàng đầu để cạnh tranh về giá cả và thắng thầu nên thực chất việc “cung cấp thông tin” là lợi dụng chức quyền để hưởng lợi trên sự thiệt hại của nhân dân và công quỹ – đó là hành vi tham nhũng. Chỉ một số người có chức quyền mới nắm được thông tin về chủ trương, chính sách, đồng thời mới có khả năng “bẻ lái” kế hoạch, quy định, chủ trương của đơn vị mình, ngành mình theo hướng có lợi riêng cho một nhóm – trong đó có quyền lợi của người đó. Thực chất đó là hành vi nhận hối lộ để cung cấp thông tin và chi phối chủ trương, chính sách.

Từ đó có thể nói rằng, nhóm lợi ích là một hình thức tham nhũng tinh vi hơn và được che đậy kín đáo hơn nên khó phát hiện hơn so với loại tham nhũng thông thường theo kiểu biển thủ công quỹ. Thành viên quan chức trong nhóm lợi ích cũng phải có vị trí cao hơn loại tham nhũng thông thường. Nhìn chung, các loại nhóm lợi ích đều hành động theo chiến thuật khá giống nhau là: Hối lộ, “lobby” để nắm thông tin hoặc “lái” chủ trương, chính sách. Trên cơ sở đó, họ “đi tắt”, “đón đầu”, dùng sức mạnh tài chính tiến hành “đánh nhanh thắng lớn”.

 

Lợi ích nhóm là chuyện cá lớn nuốt cá bé

PV: Có ý kiến cho rằng, nguyên nhân xử lý được ít vụ việc tham nhũng có liên quan đến lợi ích nhóm là vì “mắc mớ về quyền lực và tiền bạc”, ông có đồng tình với nhận định này?

TS Nguyễn Hữu Nguyên: Như tôi đã nói, về lý thuyết, bản chất của nhóm lợi ích tiêu cực là sự liên kết giữa thế mạnh về tiền bạc với lợi thế về chức quyền. Chỉ “lobby” vào một bộ phận có chức quyền mới có hiệu quả về thông tin.

Do đó muốn xử lý nhóm lợi ích tức là phải đụng đến người có chức quyền đứng đằng sau nó. Nếu một người có chức quyền đến mức nắm được thông tin quan trọng và “lái” được chủ trương chính sách thì họ cũng có “sức mạnh” để ngăn cản hoặc vô hiệu hóa công tác giám sát, thanh tra, điều tra. Vì vậy có thể nói, về mặt lý thuyết, nhóm lợi ích là một cấu trúc được vận hành theo kiểu “Mafia” – tức là đã có sự bắt tay giữa hai yếu tố mạnh nhất là tài chính và quyền lực – trong đó tài chính như mũi giáo (thuẫn) để tấn công, chiếm đoạt, còn quyền lực như chiếc mộc (mâu) để che chắn, chống đỡ, ngăn cản mũi giáo của pháp luật nhằm bảo vệ lợi ích mà họ chiếm đoạt được một cách bất chính.

PV: Có bao giờ ông bị chi phối bởi những nhóm lợi ích trong những nghiên cứu, nhận định của mình hay không?

TS Nguyễn Hữu Nguyên: Tôi chỉ là một người nghiên cứu bình thường và sống bằng lương hưu, tiếng nói của mình chỉ giới hạn ở một phạm vi nhất định nào đó và “chẳng có gram trọng lượng nào” để nhóm lợi ích để mắt đến. Tôi cũng không dựa dẫm vào bất cứ thế lực nào để mưu lợi cho mình. Vì thế tôi khẳng định mình không thể bị chi phối bởi bất cứ nhóm lợi ích nào.

Nhóm lợi ích chỉ chi phối vào những ai mà tiếng nói có thể mang lại lợi ích trực tiếp cho họ, hầu như họ không sợ những tiếng nói của dư luận xã hội – kể cả tiếng nói của các nhà khoa học. Thậm chí, nếu lên diễn đàn họ còn nói về chống tham nhũng và nhóm lợi ích một cách quyết liệt hơn người khác – họ rất tự tin vì đã có những chiếc “mộc” khá vững che chắn. Họ chỉ sợ những người biết rõ họ là ai, đồng thời có đủ chứng cứ và đủ sức mạnh để dám tố cáo họ trước pháp luật và trước nhân dân – ngay cả như thế, họ vẫn có thể có cách thoát ra từ một cửa rất hẹp.

Không khó lắm để nhận diện các nhóm lợi ích – đó là những nhóm người giàu lên nhanh chóng hơn rất nhiều so với những người sản xuất, kinh doanh hợp pháp

Cần loại bỏ “một bộ phận không nhỏ”

PV: Có thể thấy rằng, chưa bao giờ vấn đề lợi ích nhóm và tội phạm ngân hàng lại nóng như hiện nay! Một vài nhóm lợi ích trong hệ thống ngân hàng có thể thao túng ngân hàng và ảnh hưởng đến cả hệ thống. Để mang lại sự lành mạnh cho tổ chức và hoạt động tín dụng, theo ông, Ngân hàng Nhà nước cần làm gì để chống lại lợi ích nhóm?

TS Nguyễn Hữu Nguyên: Đúng là tình hình tài chính, ngân hàng đang rất phức tạp. Sự phức tạp này sinh ra từ cơ chế quản lý lỏng lẻo. Nhưng đó là sự lỏng lẻo “có lựa chọn” đối với một số nhóm lợi ích. Đó là điều kiện để các nhóm này thao túng và thâu tóm quyền lực tài chính. Về mặt lý thuyết thì giải pháp khá đơn giản – chỉ cần siết chặt luật pháp, kỷ cương… Nhưng trong thực hiện thì lại quá phức tạp vì có quá nhiều các mối liên kết chồng chéo nhau do các nhóm lợi ích tạo ra.

Trước hết là vấn đề người thực thi luật pháp và kỷ cương? Nếu người ấy thiếu năng lực, hay thiếu trách nhiệm, hoặc thiếu quyền hạn thì không đủ khả năng “cầm cương”, các nhóm lợi ích đã liên kết với nhau và không ngăn cản được sự thao túng của các nhóm ấy… Nếu người được giao nhiệm vụ thực thi pháp luật là kỷ cương, lại là thành viên của “một bộ phận không nhỏ…” thì càng phức tạp hơn: luật lệ sẽ bị vô hiệu hóa hoặc bị “bẻ cong”, tạo điều kiện cho các nhóm lợi ích thao túng mạnh hơn.

Hoạt động của ngân hàng hiện đại trong nền kinh tế thị trường là “công nghệ cao” đòi hỏi nhiều kiến thức và kỹ năng chuyên sâu, hiện đại vì nó phải kết nối và tương thích với sự vận hành của hệ thống ngân hàng thế giới. Do đó muốn lành mạnh hóa hoạt động ngân hàng hiện nay không chỉ cần có pháp luật, kỷ cương nghiêm ngặt mà cần có những chuyên gia có trình độ cao và phẩm chất tốt về lĩnh vực này. Điều này lại liên quan đến chính sách cán bộ của Đảng, chính sách đào tạo và sử dụng nhân tài của Ngân hàng Nhà nước.

Nếu ví tài chính như máu, Ngân hàng Nhà nước như trái tim có nhiệm vụ bơm máu đi nuôi toàn bộ hoạt động kinh tế, xã hội của đất nước thì việc giữ cho trái tim khỏe mạnh có ý nghĩa vô cùng lớn lao đối với sức khỏe của nền kinh tế và tội danh thao túng ngân hàng phải được coi là một trong những tội phạm nguy hiểm nhất, cần được trừng trị mạnh tay nhất.

PV: Theo ông, để việc tái cơ cấu nền kinh tế, doanh nghiệp Nhà nước được thực hiện khẩn trương, nghiêm túc, có hiệu quả thông qua việc chống lại lợi ích nhóm tiêu cực thì chúng ta cần phải làm gì?

TS Nguyễn Hữu Nguyên: Như tôi đã nói, nhóm lợi ích có cấu trúc “nhị nguyên” – đó là sự kết hợp thế mạnh tài chính với lợi thế chức quyền. Nếu một số người đứng đầu các tập đoàn, doanh nghiệp Nhà nước và một số cán bộ có thẩm quyền trong các cơ quan quản lý của Nhà nước mà cùng nằm trong “một bộ phận không nhỏ…” thì việc tái cấu trúc doanh nghiệp chỉ là tái củng cố sự liên kết của các nhóm lợi ích mà họ là thành viên.

Vì vậy, tái cấu trúc các doanh nghiệp chỉ có hiệu quả kinh tế xã hội cụ thể khi phá vỡ được cấu trúc này bằng cách thực hiện nghiêm ngặt điều lệ Đảng và luật pháp đối với “một bộ phận không nhỏ”, phải coi bộ phận ấy như là một “ổ vi trùng” nếu không có thuốc kháng sinh đủ mạnh để tiêu diệt hay làm suy yếu, hoặc cô lập chúng thì hiệu quả kinh tế xã hội của việc tái cấu trúc doanh nghiệp sẽ không bền vững – giống như chỉ “cắt cỏ tranh” mà không nhổ tận gốc thì chúng sẽ lại mọc lên lớp cỏ tranh khác…

PV: Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) của Đảng đang tấn công mạnh mẽ vào tham nhũng, lợi ích nhóm tiêu cực trong tất cả các lĩnh vực. Điều gì làm ông mong mỏi nhất trong cuộc chiến chống lợi ích nhóm hiện nay?

TS Nguyễn Hữu Nguyên: Điều mong mỏi nhất không chỉ của riêng tôi mà của tất cả nhân dân là Nghị quyết Trung ương 4 phải loại bỏ được cơ bản “một bộ phận không nhỏ”. Nếu làm được điều đó thì mới phá vỡ được cấu trúc vững chắc của nhóm lợi ích, làm cho chúng tự tan rã. Tuy nhiên, điều mà nhân dân còn băn khoăn và lo lắng là: Tấn công vào tham nhũng và nhóm lợi ích giống như đánh giặc – đừng hy vọng kêu gọi chúng tự hạ vũ khí – mà phải có sức mạnh tổng hợp lớn hơn đối phương – đó chính là sức mạnh đoàn kết và đồng thuận chống tham nhũng của nhân dân, nhưng phải tạo ra được cơ chế cho nhân dân tham gia trực tiếp vào công cuộc chống tham nhũng thì sức mạnh ấy mới được phát huy.

Mặt khác, nếu chúng ta công phá được lợi ích nhóm tiêu cực thì không chỉ cần có sức mạnh tổng hợp mà đòi hỏi phải có chiến lược và chiến thuật giỏi hơn “đối phương”, phải lựa chọn đúng phương châm tác chiến “đánh nhanh thắng nhanh” hay “đánh chắc tiến chắc”. Chúng ta phải nắm chắc tình hình của lợi ích nhóm tiêu cực để biết lựa chọn mục tiêu nào thì “bao vây”, mục tiêu nào phải “công phá”… và phải có lòng dũng cảm, chấp nhận hy sinh nếu cần vì nhân dân, vì đất nước. Đó là lý thuyết, còn thành bại lại tùy thuộc vào tài năng, ý chí của người chỉ huy, lòng dũng cảm và mưu trí của người chiến sĩ đến mức nào.

Chỉ khi nào chống tham nhũng đạt được những thành công đáng kể thì kinh tế, xã hội sẽ lành mạnh hơn, đời sống nhân dân được cải thiện thì niềm tin mới được phục hồi. Đúng như Nghị quyết Trung ương 4 đã nhận định: Cuộc đấu tranh chống tham nhũng và suy thoái có tầm quan trọng đặc biệt vì nó liên quan đến sự tồn vong của một chế độ.

PV: Cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

Trong xã hội vẫn hình thành những nhóm người có chung lợi ích nhưng họ chỉ liên kết với nhau để sản xuất, kinh doanh chân chính, hợp pháp và đóng góp vào lợi ích chung của quốc gia, xã hội thì đó là những nhóm lợi ích tích cực, họ không nằm trong khái niệm “nhóm lợi ích” đang bàn ở câu chuyện này.

Thế Vinh (thực hiện)

THỐNG ĐỐC ĐÁNH TRÁO KHÁI NIỆM NHÓM LỢI ÍCH ĐỂ LẨN TRÁNH CHẤT VẤN

Bài của Hồ Trung Tú  trên qc 17/11/2012

Nghe Thống đốc định nghĩa về lợi ích nhóm tôi ngứa ngáy cả người mất mấy ngày, chờ các chuyên gia cao thủ kinh tế ra tay vạch trần sự ngụy biện này, thế nhưng chờ mãi không thấy ai lên tiếng đành phải làm cái việc sở đoản này, như là chuyện nhà không có chó mà chỉ có mèo này vậy.

Xem phiên chất vấn của Quốc hội với Chính phủ thấy nhiều đại biểu đặt câu hỏi nhấn mạnh đến “lợi ích nhóm” với một thái độ khá quyết liệt, căng thẳng như buộc người trả lời phải đề cập đến một chuyện gì đó không minh bạch, khuất tất. Thế nhưng đến khi Thống đốc trả về thế nào là lợi ích nhóm thì tất cả chưng hửng, mọi căng thẳng như rơi tỏm xuống cái hố ngơ ngác, không một tiếng vọng nào: Trả lời câu hỏi của một số đại biểu có hay không lợi ích nhóm trong hoạt động các ngân hàng thương mại, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình thừa nhận: “Tôi khẳng định luôn có lợi ích nhóm trong một số lĩnh vực nhất định. Cả một ngân hàng chỉ phụ thuộc vào quyết định của một vài ông, kiểm soát hết hoạt động thì các khách hàng thân quen được hưởng lợi ích. Lợi ích nhóm là đó chứ đâu ! Chúng tôi đã đề nghị các bên phải xử lý bằng tài chính, nếu nghiêm trọng thì tái cấu trúc, có dấu hiệu hình sự chuyển sang cơ quan điều tra”.

Trời đất ! Như vậy là lợi ích cục bộ, lợi ích cá nhân, là lợi dụng chức quyền chứ sao gọi đó là lợi ích nhóm được?

Cảm giác có điều gì đó không ổn, tôi tìm kiếm và ra hai hai bài khá quan trọng gần đây nhất, một của nhà báo Nguyễn Vạn Phú và một của TS Nguyễn Hữu Lam, giảng viên Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Quản trị (CEMD), trường ĐH Kinh tế TP.HCM.

Nhà báo Nguyễn Vạn Phú thì nói rõ cái ví dụ một nhóm người thao túng hoạt động ngân hàng mà Thống đốc nói đến như một ví dụ điển hình “lợi ích nhóm là đó chứ đâu” thật ra là : “hành động vi phạm pháp luật, là phù phép của nạn thao túng, lũng đoạn thị trường. Cán bộ địa phương lợi dụng quy hoạch để cùng doanh nghiệp chiếm đất, hưởng lợi từ chênh lệch giá đất là một hình thức tham nhũng, lạm quyền chứ ở đây không có lợi ích nhóm nào cả.” http://nguyenvanphu.blogspot.com/2012/11/toi-o-loi-ich-nhom.html

Với TS Nguyễn Hữu Lam thì đó là : “Trong môi trường luật pháp thiếu minh bạch, các quy trình ra quyết định chính sách không rõ ràng, … thì các nhóm lợi ích sẽ ảnh hưởng, cấu kết, mua chuộc những người ra quyết định để hưởng chính sách về phía có lợi cho lợi ích của nhóm mình, bất chấp lợi ích của các nhóm khác, của số đông và lợi ích quốc gia”. http://www.svvn.vn/vn/news/thoisu/4815.svvn
*
Vậy là rõ, mặc dù nhà báo Nguyễn Vạn Phú đã cảnh báo trước gần một tháng nhưng Thống đốc Nguyễn Văn Bình vẫn đánh tráo khái niệm lợi ích nhóm để thoát một cuộc truy hỏi nhằm tìm ra thủ phạm đích thực khiến nền kinh tế suy thoái, cũng có nghĩa là đánh mất cơ hội giúp các đại biểu Quốc hội hiểu rõ hơn khái niệm lợi ích nhóm, thứ mà hơn ai hết, Quốc hội, tức các nhà làm luật, cần được hiểu rõ để không bị tác động bởi những nhóm lợi ích âm thầm hướng các điều luật mà Quốc hội thông qua về phía có lợi cho nhóm lợi ích của mình.

Nếu hiểu lợi ích nhóm chính là việc các cơ quan công quyền ra các quyết sách nhằm có lợi cho một nhóm nhỏ người nào đó bất kể đến lợi ích quốc gia, lợi ích số đông nhân dân là thứ tội đồ cần sớm được nhận diện để có những răn đe thích đáng.

Nhìn lại trước đây, vụ án Thứ trưởng Mai Văn Dâu là điển hình nhất của chuyện ra những chính sách về ngành xuất khẩu may mặc có lợi cho một nhóm người nào đó. Và chúng ta cũng nhớ như in những quyết định cho nhập xe máy nghĩa địa trong các năm 1990 đến 2000 rồi không cho, rồi lại cho đã giúp cho không ít doanh nghiệp phất lên hoặc lụn bại đi vì những quyết sách này.

Nếu quyết sách bảo hộ thị trường ô tô với những loại thuế cao ngất ngưỡng nhằm xây dựng nền công nghiệp ô tô non trẻ thoạt nghe là hợp lý, thế nhưng cuối cùng mục tiêu, như là lý tưởng này thất bại thì toàn bộ sự bảo hộ đó đã mang rất nhiều lợi ích cho các hãng ô tô đầu tư nước ngoài đã vào Việt Nam, tức VAMA. Với góc nhìn này thì những quyết sách đó đã đem lại rất nhiều lợi ích cho nhóm các nhà đầu tư nước ngoài này còn phần thiệt thì toàn bộ nhân dân Việt Nam đang gánh chịu và sẽ còn gánh chịu không biết đến bao giờ nếu lợi ích nhóm VAMA này chưa được gọi tên tính sổ thẳng ra. Các nhà ra chính sách bảo hộ này có bị tác động của nhóm lợi ích VAMA hay thực sự ngây thơ không biết là mình chặn lợi ích của dân để đem lợi cho một số nhóm người này ?
Chủ trương nâng giá điện cho bằng với thế giới hoặc khu vực, việc tính giá điện dựa trên giá của than đá, khí đốt, xăng dầu thoạt nghe là có lý nhưng vô hình trung đã che dấu thứ vô cùng lãi do giá thành vô cùng thấp là thủy điện; trong khi đây là thứ chủ yếu là các công ty cổ phần, tức tư nhân. Nhóm lợi ích từ thủy điện này liệu có tác động để đòi tăng giá cho bằng được nhằm hoàn vốn nhanh có lãi sớm ?

Thống đốc nói không có lợi ích nhóm trong việc chọn SJC làm thương hiệu độc quyền nhà nước nhưng thực tế thị trường cho thấy SJC đã được hưởng rất nhiều lợi ích trong quyết định này, trước khi quyết định có hiệu lực giá vàng SJC luôn cao ngất ngưỡng so với các thương hiệu vàng khác. Một nhà quản lý giỏi và công tâm chắc chắn sẽ nhận ra điều này và tính trước lợi ích của các bên. Không những vậy, không biết cố tình hay không các thông báo lại tỏ ra không rõ ràng để rồi cuối cùng Thống đốc đã nhận lỗi trước Quốc hội. Chỉ có vậy thôi nhưng ai lợi ai thiệt ở đây thiết nghĩ hoàn toàn có thể tính được bằng những con số cụ thể.

Cũng chuyện vàng, quyết định bình ổn giá vàng là chuyện ngay từ đầu người bình thường ai cũng hiểu là chuyện bắt có bỏ đĩa. Vàng Việt Nam liên thông với vàng thế giới, theo sát vàng thế giới, nó lên vì vàng thế giới lên , bỏ mớ tiền bình ổn chứ kịp thấy bình ổn thì vàng thế giới đã họa hơn cả mục tiêu bình ổn đặt ra.Tiền của dân thì mất nhưng vẫn đề là mất vào túi ai thì chắc chắn có thể tìm ra . Quyết định bình ổn này là do không biết con cóc sẽ nhảy hay bị nhóm lợi ích nào xúi dục ? Cũng là chuyện có thể lịch sử ghi nhớ và sẽ tìm ra tội phạm vào một ngày nào đó.

Chúng ta còn nhớ một chính sách ra, thoạt nghe như công tâm, cấm toàn bộ xe xích lô, ba gác và xe tự chế nhằm an toàn giao thông hoặc trong sạch môi trường và nhiều lý do có thể nghĩ ra khác nữa, thế nhưng thập thò ngay biên giới là những chiếc xe tải Trung Quốc loại nhỏ, xe mô tô kéo thùng chuẩn bị để nhảy vào thay thế. Không hiểu sao quyết định này sau đó không thực hiện và quên dần đi, xích lô ba gác vẫn chẳng gây nên tội đồ gì đến độ phải cấm nó, chỉ không hiểu ai đề xuất lệnh cấm này và liệu có bị nhóm lợi ích cộng cụ vận tải thay thế tác động để ra một quyết định như vậy ?

Còn có thể kể ra đây hàng trăm ví dụ khác nữa mà dấu ấn bàn tay nhóm lợi ích là có thể nhận thấy rõ đã tác động đến các nhà ra chính sách, nhất là ở các bộ liên quan đến nền kinh tế như Bộ Công Thương, Bộ Tài Chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường, ngành Ngân hàng.

Đã đến lúc cần có bộ luật về lợi ích nhóm trong các quyết sách, cần có một bộ phận nhận chân ra các quyết định, điều luật, chính sách chủ trương nào đó sẽ đem lợi cho ai và thiệt thòi cho ai. Cần sớm nhận ra đàng sau những lời nói hoa mỹ, những mục tiêu, ý nghĩa mục đích đẹp đẽ trong các quyết sách là những mục đích lợi ích nhóm ẩn dấu đâu đó.

Hơn ai hết Thống đốc là người hiểu rõ về tác động và tác hại của lợi ích nhóm. Không giúp Quốc hội nhận chân ra loại tiêu cực thường là nghiêm trọng hơn tham nhũng này nhằm tìm cách khắc phục càng sớm càng tốt ông lại trình bày một định nghĩa lợi ích nhóm khá lệch lạc. Không hiêu ông không hiểu ý nghĩa thực của lợi ích nhóm hay ông giả lơ, nói lãng. Chuyện này mình ông biết cũng giống như các nhà ra các quyết sách bị chi phối bởi lợi ích nhóm, chỉ mình họ biết.

Nói vậy chứ lịch sử cũng sẽ biết, không gì dấu được lịch sử đâu ! 

Theo blog HTT

THỦ TƯỚNG VÀ NHÓM LỢI ÍCH

Bài của Blog HỮU NGUYÊN  7/12/2012 

20121208. Thủ tướng

Nếu những thông tin trên các báo mới đây tường trình về chuyện Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu với cử tri Hải Phòng liên quan tới “nhóm lợi ích” là đúng thì thật quả là một chuyện bi hài. Các khái niệm nghiêm túc hình như đang bị cố tình làm cho loạn xì ngầu lên. GS. Trần Hữu Dũng buộc phải ngậm ngùi mà rằng… “sự phá sản của chữ nghĩa”.

 Các nhóm lợi ích là những thực thể tồn tại khách quan trong xã hội, đặc biệt là với các xã hội dân chủ phát triển, được điều chỉnh bằng pháp luật. Không cần phải có lời kêu gọi của một ông thủ tướng hay của bất kỳ một quan chức chính phủ nào về chuyện ủng hộ nhóm lợi ích này hay không ủng hộ nhóm lợi ích kia. Trong một xã hội lành mạnh, những kẻ vi phạm pháp luật đương nhiên bị ngăn chận và bị trừng trị thích đáng. Còn người dân bình thường phải được luật pháp bảo hộ, nhà nước có nghĩa vụ đảm bảo cho họ được hưởng các quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của một công dân.

 Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật. Bất kỳ ai, dù ở trong bất cứ nhóm lợi ích nào mà vi phạm pháp luật đều phải bị xử lý bằng luật pháp. Những nhóm chủ trương vi phạm pháp luật làm phương châm tìm kiếm siêu lợi ích cho mình, đích thị là những băng đảng mafia, những tập đoàn tội phạm. Chúng cần bị trừng trị và quét sạch ra khỏi đời sống xã hội vì những tội ác cũng như hậu quả tai hại mà chúng mang lại cho cộng đồng do nhận thức và hành vi chà đạp lên luật pháp, coi thường đạo lý của chúng.

Theo BBC, trong phần tường thuật của đài truyền hình nhà nước VTV tối 4/12/2012 về chuyến thăm cử tri Hồng Bàng, Hải Phòng, ông Nguyễn Tấn Dũng đã phân biệt ra hai loại “nhóm lợi ích”.

Bản tin cho hay trong các câu hỏi, cử tri đặc biệt quan tâm đến việc chống tiêu cực và lợi ích nhóm là “vấn đề nhân dân bức xúc nhất hiện nay”.

“Nhóm lợi ích là những nhóm người có chức có quyền, câu kết với nhau, vi phạm pháp luật làm phương hại đến lợi ích chung và lợi ích cuả người khác”.

“Tuy nhiên, nếu đó là nhóm lợi ích mà đem lại lợi ích chung, không vi phạm pháp luật, không làm ảnh hưởng đến lợi ích của đất nước và cá nhân thì phải phân biệt và ủng hộ,” ông Dũng nói, theo tường thuật của VTV.

Nghe Thủ tướng định nghĩa về “nhóm lợi ích” lại chợt nhớ nhiều năm trước đây khi Thủ tướng vừa nhậm chức đã ra lệnh giải tán ngay cái tổ nghiên cứu tư vấn cho chính phủ bao gồm nhiều trí thức tâm huyết của đất nước từng được các thủ tướng tiền nhiệm tin dùng, lắng nghe.

Sau đó, trong một lần trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội Lê Bộ Lĩnh (An Giang) năm 2008, về chủ đề trước nhiều vấn đề hệ trọng của đất nước, trí thức trong và ngoài nước đã có nhiều đóng góp và gởi nhiều ý kiến, Thủ tướng có kế hoạch đối thoại với các nhà khoa học và trí thức không? (xem ở đây

Thủ tướng phát biểu tỉnh queo: “Những người làm việc xung quanh tôi đều là tiến sỹ, kỹ sư, có học vị cả. Chúng tôi làm việc liên tục và tiếp xúc hàng ngày. Treo khẩu hiệu đối thoại với trí thức thì hình thức quá”. Cần lưu ý là Thủ tướng có bày tỏ sự thắc mắc không biết đại biểu định nghĩa trí thức như thế nào, còn “ngày nào tôi cũng đối thoại với trí thức cả”. 

Tuy nhiên, cách đặt vấn đề của đại biểu Lĩnh cho thấy ông hiểu “trí thức” không chỉ đơn giản là những người có học vị. Đồng thời ông đang đề cập tới việc đối thoại chứ không phải việc Thủ tướng hỏi ý kiến của những người giúp việc, của các chuyên viên bên cạnh để lựa chọn các quyết sách. Việc lắng nghe ý kiến của các chuyên gia chỉ là sự cố vấn, trao đổi của những người dưới quyền, giúp việc cho Thủ tướng. Đó không phải là “đối thoại với trí thức” như đại biểu Lĩnh muốn chất vấn.

Do vậy, cái định nghĩa về trí thức mà Thủ tướng muốn hỏi chắc hẳn có khác biệt với cách hiểu của đại biểu Lê Bộ Lĩnh. Thông thường người ta hay đồng nghĩa “trí thức” với những người có học hàm, học vị. Nhưng theo cách hiểu mà đại biểu Lĩnh nêu ra trong phần chất vấn Thủ tướng thì “trí thức” không chỉ là những người có học vị. Bản thân hai chữ “trí” và “thức” cũng bao hàm ý nghĩa là người vừa có học vấn, vừa phải có trách nhiệm “thức tỉnh” công chúng. Cố GS Nguyễn Khắc Viện, người từng trăn trở rất nhiều về vị trí, thái độ, trách nhiệm của trí thức trong xã hội, từng nói: “Nhiệm vụ của kẻ sĩ, thời nào cũng vậy, là gây dư luận”. Khuấy động dư luận có nghĩa là không để cho ai bằng lòng với tất cả những gì đã tưởng là đương nhiên để giữ cho trí óc và lương tâm xã hội luôn tỉnh thức.

Trí thức có thể là những người có ý kiến độc lập với lãnh đạo. Có những trí thức ngoài Đảng, ở trong nước hoặc ngoài nước, không làm việc cho Chính phủ hay cố vấn cho Thủ tướng. Họ hoàn toàn có thể đóng góp những quan điểm, chính sách hữu ích cho Chính phủ. Nhưng nếu Thủ tướng không đối thoại với họ thì Chính phủ sẽ không thể biết đến tiếng nói của họ. 

Trong khi đó, những người giúp việc, hiến kế ở xung quanh Thủ tướng có thể là những nguời giỏi giang, đầy đủ các loại học vị nhưng họ cũng có thể sẽ bị ràng buộc bởi quyền lợi và góc nhìn do địa vị mang lại. Nói như thế không có nghĩa là những đóng góp của họ là không quan trọng, mà nó không đủ. Không thể lấy chuyện hàng ngày Thủ tướng làm việc với bộ phận chuyên môn, giúp việc xung quanh, dù đó là những người có kỹ năng chuyên môn cao, có học vị để rồi cho rằng như vậy là Thủ tướng đang đối thoại với trí thức.

Nghe chuyện này, nhiều người đã từng ngửa mặt mà than Trời rồi. Vì đơn giản là Thủ tướng không phân biệt được đâu là tiếng nói phản biện độc lập của giới trí thức và đâu là ý kiến tham mưu của những người giúp việc cho Thủ tướng. Tuy những vị này có mang học hàm học vị song họ lại đang bị ràng buộc bởi chức trách, địa vị cũng như lợi ích trong bộ máy chính phủ nên ý kiến của họ chỉ có thể xem là sự tham mưu, cố vấn chứ không thể là sự đối thoại, phản biện của giới trí thức độc lập được.

Quan niệm của Thủ tướng về chuyện ngày nào ông cũng làm việc với đội ngũ trí thức hùng hậu như trên khiến cho ông dễ lâm vào tình cảnh chỉ còn nghe được những âm thanh cùng tông, phụ họa chứ chưa chắc đã nghe được những “trung ngôn nghịch nhĩ”.

Mặc dù tỏ ra rất là coi trọng tiếng nói của trí thức, sự phản biện độc lập đối với việc xây dựng chính sách cho đất nước, nhưng ngay sau phát biểu này Thủ tướng vẫn không ngần ngại ban hành các chính sách ngăn cản việc thành lập các tổ chức nghiên cứu, tư vấn và phản biện của các nhà trí thức đôc lập ngay sau đó.

Có lẽ vì lý do trên mà các trợ lý của Thủ tướng sau khi thi hành lệnh kiểm tra các định nghĩa về “nhóm lợi ích” đã đi tới kết luận: “Chúng ta chưa có môt định nghĩa đầy đủ trong từ điển về cụm từ lợi ích nhóm” (lại chuyện “định nghĩa” nữa). Căn cứ vào đánh giá đó, Thủ tướng rất mạnh dạn đưa ra một định nghĩa theo cách của ông như sau: “Tôi có thể giải thích cơ bản thế này, lợi ích nhóm là một nhóm có quyền lực và vị thế nhất định câu kết với nhau để mưu cầu lợi ích cho các thành viên trong nhóm, nhưng lợi ích này đi ngược lại với lợi ích quốc gia, ảnh hưởng không tốt đến lợi ích chính đáng của đại đa số người dân”. Ông nói tiếp: “Tôi khẳng định một lần nữa, chúng tôi kiên quyết ngăn chặn lợi ích nhóm để đảm bảo sự công bằng xã hội. Việc hợp tác, liên kết để giúp nhau làm giàu chính đáng là tốt, nhưng không thể vì lợi ích của anh mà phương hại đến lợi ích của cộng đồng”.

Đáng lưu ý là bên cạnh việc cam kết sẽ ngăn chận lợi ích nhóm đi ngược lại lợi ích quốc gia, cộng đồng, vi phạm pháp luật, ông Dũng cũng ra sức giải thích với cử tri rằng có sự tồn tại của “nhóm lợi ích tốt cho đất nước”. Tuy không nói cụ thể, thẳng thắn ra nhóm này có những ai là đại diện, nhưng cách diễn đạt của Thủ tướng khiến ai ai cũng phải tự mà hiểu rằng ông đang nằm trong cái “nhóm lợi ích tốt cho đất nước”. Vì ông đang đại diện nhóm lợi ích của ông  lớn tiếng lên án và cam kết sẽ ngăn chận cái “nhóm lợi ích làm hại quốc gia, cộng đồng” cơ mà! 

Tiếc rằng là sau khi nghe kết luận của các trợ lý về định nghĩa “nhóm lợi ích” Thủ tướng Dũng không tiếp tục chịu khó lắng nghe thêm ý kiến về đề tài này từ các nhà trí thức độc lập, hiện có sẵn trong nước, trước khi ông đăng đàn và đưa ra các phát biểu cũng như định nghĩa về “nhóm lợi ích” theo kiểu của ông. Thật không khó khăn gì để thấy rằng từ lâu các nhà nghiên cứu trong nước đã nói nhiều, rất phong phú về khái niệm, cũng như định nghĩa về nhóm lợi ích trên cơ sở vừa kế thừa nền học thuật về chính trị và xã hội của các nước phát triển trên thế giới; vừa tìm tòi chỉ ra các điểm đặc trưng của khái niệm này tại Việt Nam, tương thích với nền chính trị và xã hội hiện tại.

Chẳng hạn như theo nhà nghiên cứu Vũ Cao Phan, khái niệm “nhóm lợi ích” (interest groups – cũng, pressure/lobby/advocacy… groups) là bản quyền của người Mỹ nhưng cũng phổ biến ở Anh với một chút trại đi là “lobby”. Các nhóm này xuất hiện lần đầu giữa thế kỷ XIX trong các nền dân chủ đại nghị, nơi quyền công dân được để thoáng. Có khá nhiều định nghĩa về nhóm lợi ích, tuy không khác nhau bao nhiêu. Đại loại: Nhóm lợi ích là tập hợp những người cùng chí hướng, cùng mưu cầu một lợi ích, với phương thức hoạt động chủ yếu là tìm cách tác động lên chính quyền (nghị viện, chính phủ, các hội đồng địa phương) hoặc khai thác sự đa nghĩa trong một số điều khoản luật để giành lấy mục đích. Nó bao gồm đa dạng các đoàn thể, các tổ chức nghề nghiệp, xã hội, các cơ cấu dân quyền, thiện nguyện v.v… Sự tồn tại của nhóm lợi ích phần lớn được coi là tích cực. 

Đấy là cách hiểu kinh điển về nhóm lợi ích ở các xã hội Âu – Mỹ, nơi nó được sinh ra và hoạt động trên một nền tảng luật pháp ổn định. Nhưng như Ngân hàng Thế giới đã từng cảnh báo cách nay vài thập kỷ, các nhóm lợi ích mới ngày nay thiên về các mục đích kinh tế và do đó, đã xuất hiện những tập hợp mang màu sắc mafia. Điều này càng đúng ở những nền kinh tế đang chuyển đổi, đang phát triển, đang cải cách nhưng thiếu đồng bộ. Nhóm lợi ích ở đây được hình thành trên cơ sở các liên minh bất hợp pháp.

TS Nguyễn Hữu Lam, giảng viên Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Quản trị (CEMD), trường ĐH Kinh tế TP.HCM, cho rằng sự tồn tại của các nhóm lợi ích là khách quan và luôn tồn tại trong đời sống xã hội. Các nhóm này gắn bó với nhau, cùng nhau bảo vệ và mở rộng những lợi ích của họ.

Trong điều kiện của một chính quyền tốt, vững mạnh, những người ra quyết định chính sách tận tâm phục vụ quốc gia thì việc ảnh hưởng của các nhóm lợi ích cũng giúp những nhà hoạch định chính sách có những thông tin đầy đủ và toàn diện hơn để ra các quyết định chính sách tốt hơn. Tuy nhiên, khi các hoạt động xã hội (đặc biệt trong kinh tế) phát triển, những lợi ích to lớn bắt đầu xuất hiện từ các chính sách phát triển thì hoạt động của các nhóm lợi ích trở nên mạnh mẽ hơn và tinh vi hơn. Đặc biệt, trong môi trường luật pháp thiếu minh bạch, các quy trình ra quyết định chính sách không rõ ràng, thiếu thông tin và các nhóm khác có những lợi ích có liên quan mà thiếu tổ chức… thì các nhóm lợi ích sẽ ảnh hưởng, cấu kết, mua chuộc những người ra quyết định để hướng chính sách về phía có lợi cho lợi ích của nhóm mình, bất chấp lợi ích của các nhóm khác, của số đông và lợi ích quốc gia.

Ở nước ta gần đây, nói đến nhóm lợi ích chủ yếu là nói về việc các nhóm hoạt động ngầm trong lĩnh vực kinh tế, cấu kết với những người có quyền ra quyết định hoặc có thể tác động đến chính sách vì lợi ích riêng của họ mà làm tổn hại đến lợi ích của các nhóm khác, lợi ích của số đông và đặc biệt là lợi ích quốc gia. Do đó, khi nói về các nhóm lợi ích dạng này người ta dễ dàng liên tưởng đến những “sân sau” của các công ty nhà nước, những tập đoàn độc quyền có khả năng ảnh hưởng tới chính sách của Chính phủ thao túng thị trường (sữa, thuốc chữa bệnh, xăng dầu, điện lực, ô tô…); những lĩnh vực phát triển sử dụng nhiều tài nguyên và tài sản quốc gia. Độc quyền và cơ chế “xin – cho” là mảnh đất màu mỡ cho sự hình thành và phát triển các nhóm lợi ích dạng này. 

“Từ bất ổn vĩ mô đến con đường tái cơ cấu” là tên gọi bản báo cáo về kinh tế vĩ mô 2012, được Nhóm Tư vấn chính sách kinh tế vĩ mô thực hiện trong khuôn khổ dự án “Hỗ trợ nâng cao năng lực tham mưu, thẩm tra và giám sát chính sách kinh tế vĩ mô” do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội chủ trì, với sự tài trợ của Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc tại Việt Nam (UNDP). Dưới tiêu đề “Đổi mới tư duy và cải cách thể chế những yêu cầu từ thực tiễn”, TS. Lê Đăng Doanh, ngay trong phần mở đầu Chương 7 của báo cáo này, đã nhắc lại lời của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Trung ương lần thứ 3, rằng phải khắc phục “tư duy nhiệm kỳ” và “lợi ích nhóm” trong đầu tư công trong chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và chính sách đầu tư. 

Dành khá nhiều dung lượng để nói về khái niệm thứ hai, ông Doanh dẫn định nghĩa của Wikipedia tiếng Việt, “nhóm lợi ích” là một tập thể gồm nhiều cá nhân, tổ chức cùng chia sẻ một mối quan  tâm chung và cùng nhau thúc đẩy các mục tiêu đó bằng cách tác động  vào các chính sách của chính phủ. Là những nhóm vận động hành lang hay cửa hậu (lobby) để tạo ra hay thay đổi những luật lệ và cách thực thi có lợi cho phe nhóm mình, nhằm tạo dựng một vài đặc quyền, đặc lợi để thụ hưởng. 

Ở các nước có luật về lobby, các nhóm lợi ích hình thành và hoạt động công khai như nhóm doanh nghiệp, tài chính – ngân hàng, công đoàn, hiệp hội, truyền thông,… nhằm tác động tới các chính sách của Quốc hội và Chính phủ một cách công khai và hợp pháp. Họ vận động qua nhiều kênh khác nhau, sử dụng các chuyên gia và công ty tư vấn. 

Còn ở Việt Nam, theo quan sát của ông Doanh, vì những lý do về thể chế, pháp luật và truyền thống nhóm lợi ích ở Việt Nam chưa có kênh tác động chính thức đến quá trình soạn thảo, ban hành luật pháp của Quốc hội và chính sách của Chính phủ, quá trình vận động chưa được công khai và luật hóa, nên nhóm lợi ích ở Việt Nam rất đa dạng, phức tạp và chưa được xác định rõ. 

Tuy nhiên, theo nhìn nhận của ông Doanh thì, lợi ích nhóm ở Việt Nam có đặc trưng là liên quan đến những người  có chức, có quyền, nhất là quyền liên quan đến cán bộ, tài chính, ngân sách, đầu tư, đất đai, hầm mỏ, rừng, biển… Những hoạt động này len lỏi cả vào các hoạt động được xem như là rất trí thức và cao sang như nghiên cứu khoa học, cấp bằng, mua điểm, chấm luận án.  

Ông Doanh cũng “khen” những nhóm lợi ích ở Việt Nam hoạt động rất linh hoạt, theo từng vụ, việc, vây quanh một số cá nhân nhất định. Lợi dụng tính thiếu công khai, minh bạch, các nhóm lợi ích thường tiếp xúc theo “quan hệ” cá nhân, với chất kết dính là lợi ích tiền bạc. Ông lấy một câu “thành ngữ” hiện đại nhằm thể hiện các nhóm lợi ích như sau: “Thứ nhất tiền tệ, thứ nhì hậu duệ, thứ ba quan hệ, thứ tư mới đến trí tuệ” để mô tả nhóm lợi ích trong bổ nhiệm cán bộ. Lợi ích càng lớn thì nhóm lợi ích hoạt động càng mạnh. Luật pháp càng lỏng lẻo hay quyền lực ít bị giám sát thì nhóm lợi  ích hoạt động càng trắng trợn, liều lĩnh.  

“Nhóm lợi ích ở Việt Nam hoạt  động trong một không gian chủ yếu phi chính thức, bất hợp pháp, trong không ít trường hợp có quan hệ đến buôn lậu hay các hoạt động có tính chất phạm pháp ở mức độ khác nhau. Việc xác định bản chất, hình thức, phạm vi hoạt động của các loại nhóm lợi ích khác nhau cần được đầu tư, nghiên cứu thêm trong thời gian tới để làm rõ những lỗ hổng hay khe hở luật pháp để các nhóm lợi ích lợi dụng”, ông viết.

Còn doanh nhân, TS Alan Phan thì nhấn mạnh thêm theo phong cách của một nhà buôn: “Một đặc tính khác là vì lòng tham vô đáy, các nhóm lợi ích này không biết liên kết với nhau trên căn bản lâu dài; do đó, những trận chiến âm thầm sau bức màn nhưng luôn diễn ra không ngừng, và xã hội sẽ biến đổi  theo những thắng thế của phe nhóm mạnh nhất. Nếu mục tiêu của nhóm lợi ích này phù hợp với sự đổi mới và tiến bộ của quốc gia, thì dân chúng vô cùng may mắn. Ngược lại, vấn nạn của xứ sở sẽ kéo dài, vì trên thực tế, đại đa số người dân không bao giờ đủ quyền lực và kiến thức để thay đổi một cơ chế, kể cả những nước dân chủ Tây Phương”.

Trở lại với khẳng định của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng với cử tri Hải Phòng mới đây: “Chúng tôi kiên quyết ngăn chặn lợi ích nhóm để đảm bảo sự công bằng xã hội. Việc hợp tác, liên kết để giúp nhau làm giàu chính đáng là tốt, nhưng không thể vì lợi ích của anh mà phương hại đến lợi ích của cộng đồng”. Những cam kết và khẳng định kiểu này của Thủ tướng khiến người ta thấy “quen quen”… Hình như là giống giống với rất nhiều cam kết cũng của ông Dũng về việc khẳng định sẽ ngăn chận, đầy lùi tham nhũng ngay từ nhiệm kỳ thủ tướng đầu tiên của ông cho tới nhiệm kỳ hiện tại. Chỉ tiếc là Thủ tướng càng khẳng định quyết tâm đầy lùi tham nhũng mạnh mẽ , hùng hồn bao nhiêu thì tham nhũng ngày càng tinh vi, phổ biến và nghiêm trọng bấy nhiêu.

Ông Dũng chỉ có thể thực hiện được lời cam kết “kiên quyết ngăn chặn lợi ích nhóm để đảm bảo sự công bằng xã hội” một khi ông thật sự thừa nhận bản chất của nhóm lợi ích như các chuyên gia đã phân tích ở trên. Ông không thể tự nhấc bổng mình lên, đứng tách ra khỏi nhóm lợi ích của chính mình rồi tuyên bố chắc chắn rằng ông sẽ dẹp bỏ được nó. Cách nói này thực ra cũng chỉ là một thủ thuật “lăng ba vi bộ”, cố tình làm cho cử tọa hiểu nhầm vị trí, tọa độ và chỉ nhìn thấy cái ảo ảnh của người đang phát biểu rằng ông ta không nằm trong cái nhóm lợi ích hoạt động bất hợp pháp, xâm hại tới lợi ích quốc gia, đang bị cộng đồng nhận diện và  lên án gay gắt.

Trên thực tế, cần đối xử với các nhóm lợi ích một cách bình đẳng, tương xứng với vai trò, vị trí và hiệu quả đóng góp của nó cho sự phát triển của cộng đồng bằng khung luật pháp đầy đủ. Các nhóm lợi ích là một vấn đề lớn của xã hội hiện đại  tồn tại khách quan do vậy cũng cần đối xử bằng các luật chơi được toàn thể cộng đồng chấp nhận.

TS Nguyễn Hữu Lam, giảng viên Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Quản trị (CEMD), trường ĐH Kinh tế TP.HCM đề nghị, để các nhóm lợi ích không thể lũng đoạn, cần có một hệ thống luật pháp, chính sách và cơ chế ra quyết định công bằng và minh bạch. Cơ chế ra quyết định chính sách phải bảo đảm tính công khai, minh bạch dựa trên cơ chế đối thoại, tương tác cần thiết giữa các lợi ích có liên quan trong quá trình phát triển thông qua đối thoại, phản biện khoa học. 

Những đại biểu của nhân dân ở các cơ quan dân cử và các cơ chế giám sát cần phát huy đầy đủ vai trò, nghĩa vụ của mình và phải có đủ năng lực để thực sự bảo vệ những lợi ích chính đáng và hợp pháp của những người có liên quan.

Việc tách bạch giữa hoạch định chính sách và thực thi chính sách cũng là một xu hướng chung trong đổi mới quản lý công trên thế giới hiện nay để đảm bảo trách nhiệm của những công chức, viên chức trong bộ máy chính quyền.

Cơ chế lên tiếng của người dân cũng cần được xây dựng và bảo đảm để người dân nói lên tiếng nói của mình khi lợi ích của họ bị xâm phạm. Ở đây, cần nâng cao năng lực cho các nhóm lợi ích có tổ chức (các hội và hiệp hội thương mại, nghề nghiệp, xã hội…) trong việc thực sự đại diện và bảo vệ cho lợi ích hợp pháp, chính đáng của các thành viên của mình.

Thông thường, các nhóm lợi ích sử dụng công cụ vận động hậu trường (lobby) để ảnh hưởng tới các quyết định chính sách. Vì thế, cần có luật về vận động hậu trường để đưa hoạt động này vào quỹ đạo luật pháp.

Cuối cùng, công khai, minh bạch là phương tiện rất quan trọng để đảm bảo sự công bằng, trung thực trong hoạch định và thực thi chính sách. Công khai, minh bạch sẽ ngăn chặn những sự méo mó trong hoạch định và thực thi chính sách do sự ảnh hưởng, tác động của các nhóm lợi ích.

Theo blog HN

 

 


Bình luận về bài viết này

Chuyên mục